Bài viết còn đang được cập nhật theo tiến độ trả tiền của đối tác …
Có một câu chuyện mà bố định viết từ lâu. Đó là câu chuyện làm ăn của bố mẹ sau khi cưới. Lúc cưới là cuối năm 2018, ngày cuối cùng của tháng 12. Việc hợp tác mở quán cà phê được thực hiện sau tết, lúc đó bố đã vào Sài Gòn học việc.
Hôm 08/12/2022 bố có nhắn tin rủ ông anh kia uống cà phê tại quán cũ. Đơn thuần là vì lâu lắm rồi chưa ngồi với nhau. Trước khi bố lấy xe đi thì chú đó nhắn thêm một tin, đại ý là sắp sang quán, qua mà ngắm nghía lần cuối. Từ thời điểm này thì bố không còn liên quan gì cả, nhưng nghe tin vậy cũng hơi hơi tiếc. Và bố có viết nháp một bài về sự kiện này, nhưng được vài dòng thì chán nên tạm ngưng.
Cho đến sáng hôm nay 12/12 khi đi làm, thì gặp vợ chồng cô chú kia đang là chủ hiện tại của cái quán đó. Thế là hai anh em đứng nói chuyện vội bên lề đường. Mọi việc tự dưng sống động lại trong đầu. Nên quyết định làm một bài dài, hệ thống lại quá trình làm ăn đó.
1. Các nhân vật chính
Bố định tuỳ theo diễn tiến thời gian và sự kiện mà sẽ để các nhân vật dần dần xuất hiện. Nhưng nếu vậy thì lắm lúc lang mang quá. Nên là cứ lập một cái danh mục những người liên quan trước. Dựa vào đó sẽ giúp câu chuyện có lớp lang hơn.
Ngoài những nhân vật có vai trò quan trọng trong câu chuyện. Thì một số cái tên là do bố có ấn tượng nên đề cập đến. Cho nên không phải ai cũng sẽ có được một câu chuyện riêng cho họ đâu nhé.
Việc đánh giá người khác thì bố xin không nêu rõ tại đây. Vì bố thấy khá khó khăn và không đủ dữ kiện để làm điều này. Nhiều mối quan hệ chỉ xoay quanh ly cà phê, và mỗi người có cuộc sống riêng, tôn trọng và cũng không đào sâu vào từng gia đình.
Nếu con hay ai đó đọc được. Thì hãy tự hình dung ra vẻ mặt, tính cách từng nhân vật theo hoàn cảnh, và những sự kiện mà bố kể ra đây nhé.
May Coffee – MCF: Thực thể mà câu chuyện xoay quanh.
Mẹ con: Tất nhiên khi quyết định làm ăn, cả hai bố mẹ đều đa phần đạt được sự đồng thuận. Lưu ý rằng không phải mẹ con luôn đồng thuận trong bất cứ vấn đề gì. Cũng có những lúc căng thẳng và phản biện.
Bố: Trước khi cưới thì bố đã có ý nghĩ về việc làm ăn này, và có chia sẽ với mẹ.
VVK: Người chủ đầu tiên và sau cùng của cái quán cà phê.
NTT: Kiến trúc sư, vợ VVK.
PQH: Là người bạn chung của bố và VVK, lớn tuổi hơn cả hai.
NQT: Người lớn tuổi hơn VVK. Gia đình hai người này quen biết từ lâu. Chơi cùng nhau rất lâu, cùng đam mê xe cộ. Ông NQT này là giảng viên cơ khí ô tô tại Trường Cao Đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk, 30 Y Ngông, BMT.
Bố ông NQT: Là một trong những người góp cổ phần trong Công Ty Xe Bus Daklak. Trước đó doanh nghiệp vận tải này có vốn nhà nước. Khi làn sóng cổ phần tác động thì nó chuyển sang hình thức tư nhân quản lý. Ông này hằng ngày vẫn đi làm giám sát vé.
Mẹ ông NQT: Bố có gặp 1 lần, khi mà bà ấy cho thợ qua làm điện năng lượng mặt trời. Cảm giác lúc đó là không thích vì sự trơ trẽn và bổ bã. VVK cũng không thích bà ấy cho lắm. Đây chính là người đặt bút ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với VVK.
TMQ: hay được bố gọi là Quốc Sài Gòn Chợ Quán. Lý do là chú ấy có 1 cái quán cà phê mang phong cách xưa cũ, nằm quần MCF. Khá thành công khi bắt trend theo bộ phim cùng tên. Nhưng cũng do trục trặc với chủ nhà nên phải trả mặt bằng. Đây là người theo chủ nghĩa lãng mạng.
Chú Q: Người chú làm quản lý quán.
Bi: ông chủ thầu xây dựng. Cũng hay cá độ, bài bạc. Theo lời vợ chồng chú Tuyển và cô Nga bạn bố, thì trước kia không biết ông làm gì, nhưng gia đình cũng phức tạp. Cô chú nghe ông ấy giờ làm thầu xây dựng thì thấy rất bất ngờ.
T: Nhân viên pha chế đầu tiên tại quán. Tô điểm trên người với nhiều nét tato. Tuổi tác còn trẻ.
2. Cơ duyên
2.1 Gặp gỡ
Cuối năm 2013, đầu 2014 bố tốt nghiệp đại học. Sau đó có 1 năm ở nhà làm online. Việc đầu tiên là dịch báo tiếng anh sang Việt cho baouc.com. Sau đó được đưa lên làm editor, quản lý các bạn cộng tác viên khác. Nhờ có một tí cảm thụ nên những bài dịch của bố mang giọng văn tự nhiên, chứ không nhạt nhẽo khi dùng google translate. Và cũng nhờ sự chịu khó, chăm chút nên mới được người thuê (là du học sinh bên Úc) tin tưởng.
Riêng những năm ở giai đoạn này bố sẽ dành cho một bài viết khác. Vậy mới kể hết chuyện được.
Sau này bố có làm cho cty VETC chuyên về giải pháp thu phí điện tử không dừng. Làm việc tại trạm thu phí BOT Toàn Mỹ 14. Đây chính là nơi bố và VVK quen nhau. Cũng nhờ những thông tin về nội bộ đội BOT 14 mà chú ấy cung cấp. Đội của bố mới có những khởi đầu tạm suôn sẻ.
Sau này khi dự án tự động hoá trạm này đã cơ bản hoàn thành. Đội nhóm có nhiều biến động, anh em tản mác sang các tỉnh khác. Cảm giác không còn nhiệt huyết và hướng phát triển. Bố quyết định thi tuyển và về Agribank Đà Lạt làm việc gần 1 năm.
Trước đó thì chú VVK cùng nhiều nhân sự cũ ở BOT 14 cũng đã chủ động nghỉ việc. Họ nghỉ vì chế độ tệ bạc. Đồng nghiệp xấu tính và ban lãnh đạo khốn nạn. Trước khi nghỉ thì chú cũng có email cho nhân sự về tình hình chung, cũng chỉ mong công ty có cách giúp anh em nhân viên. Những người bên trên biết mọi bất cập. Nhưng muốn thay đổi gì thì họ cũng có mưu lượt hết, không phải thích là làm.
2.2 Khởi phát
Trong giai đoạn khoản 1 năm từ khi anh em nghỉ BOT này thì VVK được sự gợi ý cho thuê đất từ ông NQT để làm MCF. Mục đích mà ông NQT gợi ý là để giúp đỡ chú VVK về mặt kinh tế. Như kẻ chết đuối vớ được cọc, chú VVK đã đồng ý ngay (sự ví von này là chính chú VVK nói đấy nhé).
Và thế là MCF ra đời với số vốn được bọn bố làm tròn 250tr do chú VVK đầu tư giai đoạn đầu. Hôm khai trương hình như là 27/08/2018.
Qua thời gian làm việc cùng, cũng như thông qua những bạn bè chung. Bố nhìn thấy sự tin tưởng nơi chú VVK. Một người suy nghĩ sâu sắc, có trước có sau. Và dễ tin người, điều này giúp chú ấy quy tụ được những người bạn tốt quanh mình. Nhưng cũng khiến nhiều kẻ xấu lợi dụng. Cũng như điều này khiến khó làm việc nghiêm túc theo văn bản giấy tờ.
Khi chú mở quán thì bố có nghé chơi thời gian, cũng giúp đỡ chút chút. Bố mẹ thấy cũng khá thích phong cách và quan điểm làm việc của chú. Quán mở ra hút khách thật sự, dân cư khu đó cũng ủng hộ. Nghe chú tâm sự thì cũng muốn mở rộng quán hơn, nhưng kẹt vì hết vốn. Lúc đó bố cũng đã thích góp vốn nhưng chưa nói ra.
Trước tết Nguyên Đán 2019 thì chú VVK có gợi ý thẳng về việc rủ bố hợp tác. Tất nhiên lòng có thích thú nhưng bố vẫn về nói chuyện với mẹ con. Sau đó thì hai bên chốt vấn đề và ký các giấy tờ hợp tác, giao hẹn góp vốn.
2.3 Xoay vốn
Tiếp sau những thoả thuận là nỗi lo tài chính. Trước khi cưới bố mẹ có vay nợ ít để lo chụp choẹt thuê váy áo. Sau khi cưới thì bán hết vàng. Gom góp được đâu 100 triệu.
Giai đoạn này bố cũng đã nghỉ việc bên Đà Lạt mà về Buôn Ma Thuột. Và quản trị website online cho gocriengdecor.com (lúc viết bài này bố thấy truy cập không được nữa). Tới trước khi cưới thì bố đã đậu và nhận được lịch đi học việc ở cty mới.
Vì cũng chưa có kinh nghiệm nên bố cũng hơi ngại khi đầu tư, nhưng mẹ con cho rằng cứ làm, xác định cố gắng và nếu thất bại thì như kinh nghiệm cần có. Nhờ đó mà bố tự tin hơn để tìm thêm vốn.
Sau này bố mẹ có hỏi các dì bên bố (tức các chị em của bà nội con). Được bà Hạnh và bà Lành cho vay lần lược 30 và 50 triệu, vậy là đã gom được 180tr làm vốn góp, chiếm 42% MCF. Các dì lúc đó thật ra cũng không dư dả nhiều, nhưng được cái thương và tin tưởng các cháu. Với lại quan điểm là phải giúp đỡ người nhà nên đã chuyển bố mượn.
Nhớ không nhầm thì bố mẹ ghé quán dì Hạnh và nhận tiền mặt. Sau đó khi thi công gần xong, đến đợt góp nốt 50 triệu cuối cùng thì khi đó bố đang học việc ở Sài Gòn, nên dì chuyển khoản. Lúc đầu bố mượn cậu Tuấn, nhưng cậu đang kẹt và có chỉ sang dì Lành vì dì có tiền nhàn rỗi.
Tuy mượn có 80tr mà mãi về sau này bố mẹ mới đủ khả năng trả cho dì Lành trước. Còn dì Hạnh thì đến lúc bố rút chân khỏi MCF và nhận số tiền hoàn lại đợt đầu từ chú VVK thì mới có mà trả cho bà.
3. Hợp đồng thuê mặt bằng
Về hợp đồng thuê mặt bằng. Thì đây là khâu yếu nhất dẫn đến mọi cơ sự về sau. Như phần 1 bố có mô tả về mối quan hệ giữa NQT và VVK. Thì chính sự thân thiết này đã khiến chú VVK không đưa ra được những nội dung chuẩn chỉ của một hợp đồng thuê mặt bằng đúng luật, đủ lý lẽ và tình huống.
Hợp đồng chỉ được viết tay trên giấy vở học sinh. Ngắn ngọn và không thể sơ xài hơn. Bên chủ mặt bằng là mẹ của ông NQT đứng tên.
Theo lời chú VVK thì lúc đầu hai bên đưa ra con số thuê là 10 năm. Sau chuyển thành 5 năm, và khi ký thì còn 3 năm. Lúc này chú VKK đã cảm thấy lo lắng. Nhưng vẫn cho rằng với sự quen biết giữa hai anh em và gia đình đôi bên nên sẽ tốt đẹp cả.
Theo bố nghĩ thì đến lúc này, chú VVK cũng đã hiểu được vấn đề ông NQT không phải là người sở hữu mảnh đất.
Và kỳ lạ thay, ngay cả bố cũng bỏ sót chi tiết đó khi chú VVK cho xem tờ hợp đồng! Chú VVK về sau cũng lảng tránh nhắc đến chi tiết này.
Để đảm bảo sự tin tưởng của bố. Chú VVK luôn khẳng định về mối quan hệ của chú và gia đình ông NQT, và đảm bảo rằng sau 3 năm gia đình họ sẽ cho gia hạn thuê. Và bố cứ yên tâm đầu tư.
Con có thể thấy cả chú VVK và cả bố đã vô cùng dại dột khi ra đời làm ăn. Về phần gia đình kia làm hợp đồng thiếu rõ ràng với chú VVK thì đã đành. Bố là người vào sau mà lại không để ý điều đó thì cũng quá non và dốt.
Trong những thời điểm sau này, khi đối thoại để gia hạn hợp đồng thì chú VVK làm việc chủ yếu với mẹ ông NQT. Và bà này vẫn tiếp diễn lối nói ỡm ờ, cũng không rõ ý tứ cụ thể của họ là như thế nào. Theo bố biết sau này bên đó vẫn gia hạn thêm một tí, nhưng nội dung cũng không rõ ràng hơn là bao.
Riêng về hợp đồng góp vốn và đầu tư kinh doanh thì bọn bố tự soạn thảo, sau đôi lần sửa đổi các điều khoản thì tiến tới ký kết và chung tiền. Người làm thứ 3 làm chứng trên hợp đồng và những lần bố mẹ chung tiền đều là chú PQH.
Khi đi tìm mặt bằng, nên tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của địa điểm. Điều này giờ làm khá đơn giản. Chỉ cần làm quen (bôi trơi hay không thì tuỳ) với nhân viên địa chính khu vực đó, và thuê họ kiểm tra. Xem ai là chủ thật sự, có tranh chấp gì không…
Hợp đồng phải được soạn kỹ, nên thuê những nơi chuyên môn để soạn và công chứng. Nếu không thoả thuận được các điều khoản thì cũng không nên cố xuống nước gây bất lợi cho mình. Sẵn sàng tìm mặt bằng khác.
4. Hợp đồng hợp tác
Thoả thuận hợp tác, kiêm hợp đồng góp vốn này được hai bên ký ngày 01/07/2019. Nội dung cụ thể con xem tại đây, mật khẩu là số định danh cá nhân của con.
Ở thời điểm hiện tại, khi xem lại nội dung, bố thấy mình thiếu chặt chẽ và chưa nghĩ thấu đáo về hình thức hợp tác này. Xét lại thời điểm đó thì như thế này:
Hiện trạng trước khi ký thoả thuận là chú VVK đã đầu tư 250tr, cho việc cải tạo mặt bằng, mua sắm trang thiết bị, và đang hoạt động kinh doanh có lời được gần 1 năm.
Như vậy trong quá trình thảo luận, nếu lúc đó tạm bỏ qua yếu tố tình bằng hữu, sự nôn nóng, cũng như có tầm nhìn và hiểu biết về luật hơn. Thì nên đề nghị hai bên phải thống nhất nội dung là bên chú VVK là người kêu gọi đầu tư, bên bố là người đầu tư. Và bên nhận tiền đầu tư phải cam kết hoàn trả vốn sau thời gian nào đó.
Nếu hai bên chấp nhận hình thức đó thì hẵng bắt tay vào hợp tác, dĩ nhiên nếu được vậy thì bố sẽ có thể yên tâm về phần vốn đầu tư đó hơn.
5. Thi công
Trước khi thi công thì bố mẹ ứng trước 100/180tr. Nhóm thợ của ông Bi này là do chú VVK tìm được. Nói là tìm được cũng không đúng lắm, vì ông đó nghe tin và đến chào mời. Công nhận thằng cha đó dẻo mỏ và mặt dày. Tiết là chỉ sau này khi bước vào thi công thì tất cả mới nhận ra thì đã muộn.
Trước đó thì bên chú VVK đã có liên hệ với nơi đã thi công phần đầu, nhưng ông bác đó đang có công trình khác nên không nhận được. Chỗ bạn bè bên mảng xây dựng thì cho rằng giá thầu đó khá thấp nên không làm được, một phần vì cũng đang có công trình khác. Ham rẻ và không chờ được nên bố cũng gật đầu với ông Bi này.
Sau này tính toán thì với giá thầu gần 180tr mà xây dựng với khối lượng như thế thì ông ấy không thấy đồng lời nào. Hẳn là lúc đó cần tiền nên lão ta nhận thầu bất chấp. Những người lính thợ cũng bị ông ấy nợ lương liên tục.
Tất cả các điều đó khiến thời gian thi công bị kéo dài. Mình là chủ đầu tư mà phải đi năn nỉ nhà thầu.
Tới giai đoạn nước rút thì bố và cả chú VVK cũng phụ vào làm cho xong, tự láng một ít nền, tự hoàn thiện khung cửa.
Lúc này chú Qu quản lý cũng có tham gia hỗ trợ xây dựng. Cũng nhờ kinh nghiệm của ông chú mà anh em cũng bớt được khá việc.
5.1 Tiền nào của nấy
Chất lượng công trình sau thi công thì dĩ nhiên kém hơn mong đợi. Khi xây nhà thì hay có sự gia tăng chi phí, thường xảy ra khi nhà thầu không đủ giỏi để dự toán được chi phí. Vì chỉ có 180tr nên nhất quyết bố mẹ không thể chi thêm. Vì thế nhiều hạng mục chưa như ý nhưng phải chịu thôi.
Việc dự toán được chi phí là điều thiết yếu để đảm bảo cho túi tiền và chất lượng công trình. Tất nhiên những nhà thầu hoặc cá nhân đủ năng lực làm điều này thì giá thầu không mềm.
Câu chuyện về giá và chất lượng là điều về sau này bố mẹ tâm đắc. Ngon bổ rẻ là điều vô lý. Nếu vì ham muốn giá thấp thì kiểu gì chất lượng cũng bị đánh đổi. Kiểu gì thì sau này chúng ta cũng tốn chi phí bảo trì/sữa chữa cho những thứ kém chất lượng đó.
Tới sau khi khai trương, bên bố vẫn giữ lại một khoản để làm tin. Kiểu như nếu như trongm ột khoảng thời gian giao kèo mà công trình có hư hỏng thì bên nhà thầu sẽ không được trả khoản đó.
Về sau thì ông Bi có khắc phục một số lỗi nhỏ, riêng cái nền trong khu nhà thì chất lượng kém nhưng không chịu làm lại. Bên bố thì vẫn phải trả cho ông ta một ít trong số tiền đó. Vì nếu không chắc hắn ta sẽ đến quán mỗi ngày làm phiền.
5.2 Yếu từ khâu thiết kế
Việc sai lầm nhất có nhẽ là khu gác lửng để ngắm view từ trên cao. Kinh nghiệm từ thiết kế đến chủ đầu tư và nhà thầu đều quá yếu để suy nghĩ được hết các khó khăn khi xây dựng view trên cao.
- Không lường những lúc trời mưa nắng gió. Nắng thì quá nóng, không che nắng hiệu quả. Trời mưa thì xem như bỏ. Nước rò xuống sàn, chảy xuống đầu khách bên dưới mặt đất.
- Không lường trước về sự tốn kém khi làm phần này. Tốn kém mà thiếu vốn nên không hoàn thiện.
- Nhu cầu của khách khá cao đối với những nơi có view lạ. Đòi hỏi sự đồng bộ. Có như vậy họ mới sẵn sàng chụp ảnh trong khung cảnh đó.
Ngoài ra việc phân thành nhiều khu khác nhau khiến cho việc giám sát và phục vụ khách trở bên mệt hơn. Với một mặt bằng thông thoáng, ít phân khu, không nhiều góc lắt léo, thì số nhân sự sẽ được tiết kiệm, phục vụ khách được nhanh hơn.
Một điều bố nhận ra nữa là tính đồng bộ rất quan trọng. Cụ thể trường hợp bố đang đề cập là về nội thất. Vì thiếu chi phí nên nội thất được tận dụng và mua đồ cũ. Để lựa được món đồ còn tốt và hợp với không gian là không dễ. Mà nếu cứ nhặt nhạnh như thế thì dần dà không gian trỡ nên nham nhở.
Mức đầu tư như thế nào sẽ định vị tệp khách hàng tương ứng. Con sẽ nhận ra những hàng quán vỉa hè, những quán bình dân có tệp khách hàng khác với những nhà hàng cao cấp. Muốn thu hút được khách cao cấp thì chúng ta phải có giá trị tương xứng mới được.
Khâu thiết kế cực kỳ quan trọng. Mỗi kiến trúc sư sẽ mạnh về mội loại công trình. Nhưng cạnh đó cần thêm 1 người đã có kinh nghiệm trong ngành đồ uống, như vậy mới cân bằng được sự đẹp đẽ với khả năng khai thác thực tiễn. Phải tính tới khả năng bảo trì, sự thuận tiện khi sử dụng, và tiết kiệm chi phí. Nếu không chúng ta sẽ trở thành nô lệ của công trình đó.
6. Vấn đề hợp tác 3 người
Theo hợp đồng thì chỉ có bố và chú VVK là chủ đầu tư. Nhưng do quen biết và cũng muốn hợp tác nhằm giảm chi phí nên ban đầu có sự tham gia của chú TMQ. Vai trò cụ thể là như thế này:
Phần trang trí nội thất sẽ do chú TMQ thực hiện, vì chú có con mắt nghệ thuật. Tất nhiên dưới sự góp ý của bọn bố và chú Qu quản lý. Bởi vì ngoài nghệ thuật còn phải cân bằng với tính thực dụng và tiện ích để kinh doanh.
Chú ấy sẽ cung cấp một lượng nội thất, và song song đó sẽ tiếp tục mua bán những món hàng đó. Như vậy quán cà phê đồng thời trở thành nơi trưng bày và giao dịch sản phẩm, đồ cổ.
Chú ấy sẽ đảm bảo việc khi bán đi một món đồ/bàn ghế nào đó thì sẽ có cái khác thay thế. Bảo đảm ít xáo trộn không gian và vị trí bàn ghế ảnh hưởng đến khách uống nước.
Nhìn nhận ban đầu là việc này sẽ tăng lượng người biết đến quán. Cũng như tạo ra một điểm giao dịch xôm tụ. Vừa tăng thu nhập cho cả ba.
Tuy vậy muốn hợp tác kiểu này cần có những quy định kèm theo. Như không thể giao hàng cho khách vào giờ bình thường. Vì tưởng tượng người ta đang uống cà phê mà phải bê bộ bàn đi ship cho khách thì không được chuyên nghiệp cho lắm.
Rồi đến chuyện bài trí cũng phải mang tính thực tế một chút để không gian quán không quá rối. Tiện cho việc phục vụ khách.
6.1 Mâu thuẫn phát sinh ngay lúc khởi đầu
Đây là cảm nhận riêng của bố, được nhìn nhận ngay từ phong cách làm việc của đôi bên từ những ngày đầu. Từ lúc các bên còn đang cùng nhau thi công, trang trí…
Sự mất căn bằng giữa một bên mang tính thực tế và một bên mang tính nghệ thuật khiến sự hợp tác với chú TMQ không lâu dài. Một lý do khác chắc do chú ấy cảm thấy mình thiếu vai trò trong các quyết định cuối cùng.
Sau này khi chú ấy bán dần các đồ nội thất và rút khỏi MCF. Bọn bố chủ động mua thêm đồ đạc để trám vào vị trí trống.
Những trao đổi trực tiếp mặt giáp mặt để giải quyết việc ngưng hợp tác này chủ yếu diễn ra giữa bố và chú ấy. Đây cũng là kinh nghiệm hay.
Đến bây giờ bố vẫn thấy quản lý con người là điều khó nhất. Nếu đơn giản chỉ bảo vệ lợi ích của riêng bên mình thì chúng ta không cần để ý đến thiệt hại của phía đối tác. Tuy nhiên ai cũng có nỗi lo tài chính và gia đình, vì thế chúng ta phải chọn giải pháp mang lại thắng lợi cho cả đôi bên. Tình huống này đồng nghĩa với việc hai bên cùng san sẽ bớt cả rủi ro lẫn lợi ích với nhau.
Việc để chú ấy rút đi nhanh sẽ khiến quán thiếu hụt bàn ghế nội thất. Mà tài chính của MCF lúc đó yếu lắm, không đủ để có thể mua sắm lại ngay. Vì thế dù có những mâu thuẫn nội bộ, những bực dọc giữa chú ấy và chú VVK, nhưng bố vẫn tìm cách làm chậm quá trình rút đi.
6.2 Đặc điểm của người có máu nghệ thuật
Nếu chỉ vì cảm tính mà ép chú ấy rút nhanh thì dễ thôi. Nhưng điều này ảnh hưởng cả đôi bên. Mà buôn bán thì ngại nhất việc người xung quanh biết được nội bộ bất ổn.
Hơn nữa với những người mang máu nghệ sĩ thì tính tự tôn của họ khá cao. Cũng như những cảm xúc của họ có nồng độ cao hơn người mang lý tính. Họ thường có mối quan hệ rộng (về độ sâu thì chưa biết).
Hiểu được điều này cực kỳ quan trọng để tìm ra tiếng nói chung với họ. Bởi vì bố chứng kiến một câu chuyện được đưa đi xa hơn dự kiến. Cụ thể là thông qua những tin nhắn trao đổi giữa VVK và TMQ về việc rút bớt đồ đạc. Hai người trở nên khó nói chuyện với nhau, và có sự sức mẻ. Lại thêm những suy diễn trong đầu hai người nên sự việc bị nghiêm trọng hoá.
Đỉnh điểm là hai bên không điều tiết được cảm xúc. Vì thế chú TMQ đã viết những status trên facebook, bóng gió về sự thay đổi, sự mâu thuẫn… Bạn bè chung giữa hai người khá nhiều, họ đọc được và cũng hiểu điều gì đang diễn ra.
Bạn bè trên mạng xã hội của chú TMQ thì nhiều. Họ là người thiếu thông tin nhất, nhưng lại giỏi võ đoán. Mang tiếng bên bạn bè nên họ đã có những phát ngôn không chính xác về bản chất sự việc, cũng như cổ suý làm những chuyện lệch lạc.
Đọc qua những nội dung đó bố cũng cảm thấy bị xúc phạm và tức giận. Tuy nhiên là một người có trách nhiệm liên quan. Nếu mình cũng bị cuốn theo dòng cảm xúc như vậy thì bậy quá. Nên không muốn cũng phải trở thành người đối thoại với chú TMQ để mọi việc diễn ra êm đẹp nhất, cũng như giúp chú ấy giải toả tâm lý và ngưng than vãn trên mạng xã hội.
7. Người quản lý
Nhiều người cho rằng với mô hình hiện tại thì không cần đến vị trí quản lý. Tuy vậy MCF vẫn giữ chân chú Qu.
7.1 Gia cảnh
Trước kia chú làm quản lý ở khá nhiều quán cà phê. Khi mới hoạt động thì chú sẽ là người chịu setup quán xá, tư vấn về đồ đạc, tuyển nhân viên. Chú sẽ theo sát quán trong tầm 3 tháng. Sau khi đã ổn định thì chủ động nghỉ và tìm chỗ mới để bắt đầu lại vòng quay.
Tại sao lại có cách làm việc đó. Vì chính chú chia sẽ rằng một khi quán đã chạy ổn định thì người chủ hay muốn cắt giảm vị trí của chú. Một phần chủ không thấy cần nữa, phần vì chú Qu có lòng tự tôn. Nên chú chọn cách đi setup chứ không gắn bó lâu dài.
Khi trẻ chú là cán bộ ở phường, sau này vì nhiều lý do mà bố không biết nên nghỉ. Mà thật ra thời đó đồng lương thấp, nên người ta thôi làm cũng là điều bình thường.
Vợ chú có một sạp hàng ở chợ Nguyễn Viết Xuân, nhưng theo những tâm sự của chú thì cô không giỏi quản lý. Càng buôn bán càng lỗ.
Về con cái thì trai gái đủ cả. Nhưng con cái không được ngoan ngoãn và lận đận trong hôn nhân. Ngoài ra những người con cũng gây ra nợ nần ngoài xã hội, và cô chú là người phải gánh chịu.
Trước kia có nhà cửa đàng hoàng, nhưng cũng phải bán đi để trả nợ. Chú có người bạn sở hữu căn nhà ngay cạnh MCF. Người ta cho gia đình chú ở miễn phí cũng 10 năm. Vì kinh tế yếu nên chú chỉ ở chứ cũng không sửa sang gì, nên nó rất xuống cấp.
Trước khi bố rút khỏi MCF thì người bạn kia lấy lại nhà. Buộc gia đình chú phải thuê lại căn khác gần đó. Như vậy hằng tháng lại tốn thêm một khoản không nhỏ.
Những cán bộ quản lý ở phường cũng hay tìm cách giúp gia đình chú, vì hộ của chú là hộ nghèo.
Tuy cuộc sống khó khăn, nhưng đa phần bố nhìn thấy sự bình tĩnh, tự tại trong con người chú. Bố nghĩ rằng đó là kết quả sau khi đã trải qua quá nhiều biến cố. Ở vị trí của chú nếu có quá lo lắng cho ngày mai cũng không làm gì được nhiều. Vậy hãy cứ tận hưởng từng phút giây hiện tại vậy !
7.2 Cơ duyên gặp gỡ
Nơi làm việc cuối cùng trước khi chú gắn bó với MCF là chuỗi quán nhậu Tuấn Mập. Vì đau khớp không thể làm việc với cường độ cao ở nhà hàng nên chú nghỉ. Khi thấy chú VVK rục rịch mở quán thì hai người có trao đổi và bọn bố cũng quyết định đưa chú về.
Với kinh nghiệm đã có, chú đã giúp khai thông đầu óc hai thằng khá nhiều. Cũng như tư vấn thêm về xây dựng công trình, bố trí nội thất, mua sắm dụng cụ. Tiếc là quá trình tham gia định hình quán không có nhiều sự tư vấn từ chú, nếu không bọn bố đã có thể giảm bớt những sai lầm.
Giai đoạn đầu bọn bố rất khó tuyển được nhân viên tốt, nhất là vị trí pha chế. Nên chú cũng là người trực tiếp đào tạo pha chế cho các bạn mới.
7.3 Nguyên tắc làm việc
Thời điểm chú làm việc ở MCF có thể tính từ khi quán đang được xây dựng. Nhờ ở ngay kề quán nên chủ động được nhiều thứ.
Mức lương mà chú VVK thoả thuận với chú Qu ban đầu là 5tr/tháng. Sau 3 tháng sẽ review lại. Khi này thì vẫn là thoả thuận làm việc trong 3 tháng.
Theo nhận định của riêng bố thì ở tình trạng của chú sẽ không dễ tìm được công việc khác thuận lợi trong tương lai. Có thể ở nơi khác mức lương sẽ cao hơn, nhưng tiếp tục mô hình làm việc như vậy cũng không ổn với một người lớn tuổi như chú. Nhưng để giữ được giá trị của mình, chú vẫn thể hiện ra cho bọn bố hiểu rằng thoả thuận chỉ là 3 tháng.
Tuy đây là mối quan hệ giữa người chủ và người lao động, nhưng bọn bố vẫn giữ quan điểm phải hài hoà lợi ích đôi bên. Cho nên:
- Khi làm việc ở MCF, chú hoàn toàn chủ động về thời gian. Có thể tranh thủ đưa và đón các cháu đi học. Tranh thủ làm ít việc nhà. Tổng khối lượng công việc không phải là quá nhiều.
- Tụi bố giao quyền cho chú khá nhiều, những sự vụ lặt vặt hầu như bố không quan tâm nhiều.
- Bố không can thiệp quá sâu vào cách điều hành hay dùng người của chú. Chỉ cuối tuần tổng hợp doanh thu và trao đổi các khúc mắc.
- Một số công việc tại quán được bố trực tiếp làm như lau chà nhà vệ sinh, mua nguyên vật liệu.
- Tránh việc ý kiến của 2 chủ đầu tư bị xung đột khi truyền tải xuống dưới. Bố và chú VVK đều trao đổi và thống nhất trước. Sau đó chỉ 1 người làm việc lại với chú Qu. Những việc quan trọng hơn thì hội ý 3 người.
7.4 Lợi và hại
Tóm lại là có sự tôn trọng trong khi làm việc, tôn trọng trong chuyên môn từng người. Tuy vậy điều này cũng có nhược điểm. Sự tôn trọng này nhiều khi khiến người lao động lạm dụng và sử dụng làm công cụ để đặt ra các điều kiện với người chủ. Nếu không khéo léo thì khiến người lao động nghĩ rằng người chủ rất cần họ, thiếu họ thì không hoạt động được.
Điều này bố đã trải qua và nhìn thấy nhiều nên không lạ lẫm. Sự hợp tác trong lao động luôn đi song hành với tính đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mỗi bên. Vì thế rất hiếm khi bố bực tức vì vài chiêu mà ông chú sử dụng để tạo áp lực về phía bọn bố. Nhờ vậy nên cách đối thoại và giải quyết cũng không cần phải căng thẳng, hay mặt nặng mày nhẹ.
Tâm lý người chủ thì luôn thấy mình đang cho nhân viên nhiều hơn những gì họ làm được. Ngược lại thì nhân viên hay thấy họ phải làm nhiều hơn mức lương được chi trả.
Lối suy nghĩ này là hết sức bình thường luôn. Cho nên việc quá bận lòng về những tình huống như vậy là không đáng. Mà mình nên tìm hiểu cách để đi đến thống nhất. Đừng dây dưa phiền phức.
7.5 Khối lượng công việc
Mức độ áp lực hay khối lượng công việc là không lớn. Giải thích cụ thể thì thứ nhất là số lượng đầu công việc bao gồm.
- Tuyển dụng và đào tạo nhân viên, mà việc này không phải ngày nào hay tháng nào cũng làm.
- Hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh. Việc này có cả sự tham gia của nhân viên phục vụ và cả bố.
- Quản lý ca kíp. Hỗ trợ khi team có người bận hoặc trống vị trí.
- Trông nom, bảo trì nhẹ công trình, vật dụng. Hư hỏng nặng thì gọi thợ.
- Hỗ trợ nhân viên phục vụ và nhân viên pha chế trong những tình huống khách đông, hoặc giờ ăn giờ nghỉ.
- Quản lý tiền bạc, so khớp số liệu với bố.
Còn về định tính thì những công việc này không khó. Một người trẻ chịu khó vẫn sẽ tiếp thu nhanh và làm được gọn hàng những chuyện trên.
Có một cái hay ở chú là sự tinh ý, nhạy cảm, rất thích hợp trong ngành dịch vụ. Đặc điểm này sẽ giúp phát hiện nhanh các bất cập, những điểm làm khách hàng chưa hài lòng. Cũng như hiểu được tâm lý khách hơn.
7.6 Lương và hỗ trợ
Đôi lúc chú bận hoặc muốn đi chơi dài ngày, bố đều tạo điều kiện. Vì thật ra mọi việc vào nếp rồi, chỉ cần bố bỏ thêm thời gian nhiều hơn bình thường để ý quán xá là được.
Giai đoạn chú phải trả nhà cho bạn và thuê nơi ở mới. Bọn bố quyết định hỗ trợ chú thêm 500k mỗi tháng.
Trước đó, từ những ngày đầu. Bọn bố đã chủ động đề nghị hỗ trợ gia đình chú một xe bánh mì đậu trước quán. Vợ chú rảnh rổi nên hoàn toàn có thể tự đứng bán kiếm thêm thu nhập. Nhưng hình như là do đúng là cô không biết bán buôn, càng bán càng lỗ cho nên chú nhất mực từ chối không nhận sự giúp đỡ.
Phải nhắc thêm về tiền lương cứng thì sau ba tháng, MCF quyết định nâng cho chú lên 5.5tr/tháng, ngày chỉ cần có mặt 8 tiếng. Còn việc sắp xếp cụ thể giữa nhân viên thì tự chủ động (đây chính là việc của người quản lý, nên bọn bố không đụng vào).
Thật ra thì với kiểu công việc này, người lao động phải chấp nhận mức giá mà thị trường lao động quy định. Bản thân bố cho rằng 5.5 triệu là không cao, nhưng đây là mặt bằng chung thị trường mà.
Đây là mức ổn nếu so với việc chú đi làm bảo vệ. Mà làm bảo vệ thì cần đến 12 tiếng/ngày. Hơn nữa công việc tại quán tạo ra niềm vui vì được gặp gỡ trò chuyện với mọi người.
Những khi quán có sự cố, nếu chú sửa chữa được thì bọn bố ghi nhận và cuối tháng có thêm tiền cho chú.
Ngoài mức lương cứng 5.5 triệu và hỗ trợ thêm 500k. Thì thì tuỳ tình hình kinh doanh mỗi tháng vẫn có thêm ít nhiều cho chú. Tất nhiên với quy mô, doanh thu như MCF thì làm sao mà nhiều như nơi khác được. Trong khi vốn đầu tư chưa thu hồi được bao nhiêu.
Trường hợp team làm việc tốt, doanh thu cao và giữ được nhịp điệu thì bọn bố sẵn sàng nâng mức lương cứng. Nhưng dĩ nhiên là kế hoạch này không đạt được.
7.7 Mâu thuẫn
Ngoài sự vụ với chú TQM thì chú VVK cũng không ít lần có những bực dọc thể hiện thành cảm xúc bất lợi với chú Qu.
Nói như vậy không phải là giữa bố và chú Qu luôn hoà bình, chỉ là mình có phương pháp giải quyết mà thôi.
Hạn chế phát ngôn tại thời điểm đó. Sau một thời gian khi đã có đủ thông tin và phân tích, thì mình bỏ đi các yếu tố tâm lý và tìm ra cách đối thoại minh bạch để đôi bên cải thiện.
Chú VVK và chú Qu đã không ít lần vì khúc mắt trong công việc lẫn vui chơi mà không nhìn hay nói chuyện với nhau. Sáng nào cũng gặp nhau nhưng không thèm nhìn mặt, im im không bắt chuyện. Những sự vụ đó hầu như bố không để ý, chỉ khi các bên kể ra thì mới biết. Xong rồi bố cũng là người trung gian giải quyết.
Nói là giải quyết nhưng biện pháp chủ yếu là xoa dịu từng người, để mỗi người đều có thể nói ra tất cả những bực bội, khi đó đứng ở vị trí trung dung mình sẽ phân tích theo lý tính vấn đề. Giải quyết từng người xong thì là lúc để thời gian làm việc. Những cái đầu đã nguội rồi thì sẽ dần dần tự nhiên với nhau hơn.
Đôi lúc bố nghĩ người lớn thua xa trẻ con về tình huống này. Trẻ con phản ứng ngay, có thể gào khóc đó, nhưng rồi quên nhanh mà chơi lại với nhau.
Điều quan trọng nữa là nếu các bên không được người ngoài cuộc tư vấn, khai sáng thì họ cứ giữ mãi sự hằn học trong đầu. Theo thời gian thì các suy diễn vô căn cứ về đối phương càng lớn. Sự nghi kỵ và hằn học cứ thế sẽ đẩy các sự vụ đi xa hơn vốn có.
Chính vì vậy bố không thích lắm khi nhắn tin để trao đổi sự vụ. Tin nhắn không thể hiện được tâm lý của người viết, người đọc thì lại phải võ đoán về cảm xúc đầu bên kia sau bề mặt câu chữ. Hãy cố gắng nhấc điện thoại lên nói với nhau.
7.8 Bye
Mấy năm làm việc chắc cũng không ít lần chú đòi nghỉ. Mô típ quen thuộc đó là bố luôn thuyết phục chú ở lại. Lý do thì theo thực tế chú sẽ khó có thể tìm được nguồn thu ổn định cho gia đình. Một điều nữa mà bố thấy thì đây chỉ là cái mẹo để tạo áp lực lên người chủ.
Cạnh đó thì lý do chính là nếu như vắng chú thì bố không còn thời gian để chủ động trong những công việc tại cty. Cả chú VVK cũng có những việc riêng để làm. Chứ còn nếu xác định đây là nguồn thu nhập chính thì bố đã tự mình quản lý.
Có một cách để giảm nhân lực, nhưng mọi việc vẫn ổn thoả. Đó là đào tạo nhân viên pha chế cứng hơn để kiêm luôn vị trí quản lý.
Nhưng tiếc là không tìm được người đủ tin tưởng, chăm chỉ và chấp nhận làm như thế. Gặp bạn làm việc nghiêm túc thì không làm đêm được. Gặp bạn dư giả thời gian thì chưa đủ chín chắn và nghiêm túc.
Và sau những sự vụ đó thì đôi lúc chú viện dẫn lý do thấy anh em cực, quán xá lại chưa tuyển được nhân sự nên không nỡ nghỉ ngang. Có thật tấm lòng là như vậy hay không thì cũng khó nói.
Nhưng nếu vắng chú thì MCF sẽ tốn một chút thời gian để ổn định lại và tiếp tục hoạt động mà thôi. Mỗi cá nhân trong team sẽ tự thích ứng với tình trạng mới. Tổng giám đốc bên bố còn bị thay trong mấy nốt nhạc mà lị.
Lần cuối mà chú đề nghị thôi việc là xuất phát từ mâu thuẫn với chú VVK sau một trận bi lắc. Từ trò chơi thắng thua đơn thuần nhưng bố không còn nhớ kỹ tại sao lại trở thành mâu thuẫn. Lý do thì hình như cũng vô thưởng vô phạt nên bố không quan tâm lắm. Nhưng có vẻ cũng nhiêm trọng vì thấy nó ảnh hưởng đến không khí làm việc của các bạn khác.
Thời điểm đó quán cũng có vài sự cố (lớn nhất là dư âm của việc chủ mặt bằng thi công NLMT), lại thêm hợp đồng mặt bằng 3 năm sắp hết, và bố cũng có suy nghĩ về chuyện rút khỏi MCF.
Không muốn thêm xáo trộn nên bố vẫn giữ quan điểm đối thoại và tìm phương án tốt nhất. Nội dung cũng chỉ xoay quanh việc trước giờ chú vẫn làm việc trực tiếp nhiều việc với bố, thì cứ tiếp tục như thế. Còn lại những mâu thuẫn cá nhân liên qua đến chú VVK thì tách ra. Vấn đề thứ hai là bố đề cập đến tình trạng tài chính của chú. Muốn chú nghĩ đến hiện thực trước mắt mà suy nghĩ lại.
Nhưng chú cho rằng đi làm thì cũng cần có sự vui thích và thoải mái tinh thần, chứ làm mà cứ mặt nặng mày nhẹ thì rất khó.
Bố cũng vừa hỏi vừa dò ý tứ, rằng chú có nghĩ đến hiện thực lúc này mà nên chủ động thảo luận lại với chỗ anh VVK hay không.
Tất nhiên câu trả lời vẫn là không, vì chú cho rằng chú vẫn còn cái giá trị của chú, sự tự tôn của chú cũng cần được tôn trọng.
Cũng khá là khó con nhỉ. Tuổi tác chênh lệch với bọn bố quá nhiều nên cũng có những cái mà họ không thể thực hiện được.
Sau này bố vẫn có nhờ chị đồng nghiệp tìm việc giúp chú. Vì anh chồng chị ấy mở công ty dịch vụ bảo vệ. Bố có nhắn chú ghé địa chỉ công ty sẽ có người đón và sắp xếp công việc cho. Nhưng chú cũng không tới, mà cũng không báo cho bố…
Hay là chính lòng tự tôn đã ngăn cản chú nhận công việc do bố giới thiệu?
8. Nhân chuyện kiểm kê để nói về lợi ích đôi bên
Việc nhập xuất hàng hoá do bố làm, điều này giúp hạn chế thất thoát. Sau khi MCF hoạt động được 3 tháng thì mọi chi phí hầu như đã đạt con số ổn định. Bọn bố căn cứ vào đó là theo dõi biến động qua từng tuần/tháng. Chỉ cần không gia tăng chi phí bất thường là tạm ổn. Vậy tại sao lại không tổ chức kiểm kê định kỳ?
Nguyên tắc thì mỗi tháng hay quý đều nên kiểm kê. Tuy nhiên ở mô hình quán nhỏ thì điều này khá mất thời gian và chưa chắc hiệu quả.
Nguyên tắc nữa là nếu thiếu hụt hàng hoá thì nhân viên phải đền bù bằng tiền hoặc số giờ làm, còn không thì trừ vào lương.
Lợi ích tài chính kể trên chính là mắc xích quan trọng của nhiều vấn đề chứ không riêng việc kiểm kê.
- Mức lương thưởng ở quán nhỏ thường không cao, cũng như thiếu các chế độ về bảo hiểm, sức khoẻ.
- Hợp đồng làm việc hầu như không có, chỉ là nói mồm. Không có gì để ràng buộc. Có chăng là chủ thường giam một phần lương để tránh nhân viên bỏ việc đột xuất.
- Ngành F & B đặc thù phục vụ quanh năm, số ngày nghỉ của nhân viên rất hiếm. Mức lương cho ngành này nhìn chung là chưa hợp lý. Cho nên lao động chọn nghề này chỉ để làm thời vụ là chính.
Nói giông nói dài thì cũng quy về chuyện trách nhiệm công việc phải đi đôi với lương và chế độ. Tức là sự sòng phẳng giữa người chủ và người lao động.
Nếu anh là một tổ chức lớn, có ban bệ và hệ thống thì dĩ nhiên anh tuyển được người giỏi, sẵn sàng trả họ mức lương cao. Bù lại anh thu về lợi nhuận lớn, có giá trị thương hiệu, có khả năng tăng trưởng.
MCF là một hình ảnh trái ngược với mô hình nói trên. Nếu thực hiện kiểm kê và đền bù hao hụt quá gắt gao thì nhân sự chắc chắn sẽ bất mãn rời đi, việc liên tục tuyển và đào tạo nhân viên mới còn mệt mỏi hơn.
Hoặc xoay qua thái độ của nhân viên. nếu đặt ra những yêu cầu cao hơn (với góc nhìn của người chủ thì thấp), thì nhân viên không có động lực thúc đẩy làm việc.
Đừng cho rằng khi mình đứng sau liên tục thúc ép nhắc nhở thì họ sẽ thực hiện. Về lâu dài không ai đủ kiên nhẫn để thúc ép mãi, mà nhân viên cũng không thể cứ cống hiến một cách mù quáng cho người chủ.
Có những người vẫn hiểu được cán cân về lợi ích và trách nhiệm đó. Nhưng lại không chấp nhận thực tế, muốn bẻ cong sự cân bằng. Nhưng chỉ được một thời gian thì tình hình quay về như cũ.
Với cách quản lý hàng hoá như thế tức là bọn bố đã chủ động tạo ra một khoản linh động. Các cá nhân liên quan vẫn có thể thoải mái trong giới hạn đó, đừng nên vượt qua làm gì.
9. Nhân tai
Nhân tai là những việc xui rủi do chính con người chủ động tạo ra. Và bố cũng như chú VVK có một phần trách nhiệm.
- Lỗi của bố là tin tưởng vào lời hứa của đối tác về việc đảm bảo sẽ ký kết được hợp đồng thuê mới với nhà ông NQT.
- Lỗi của bố là cố chấp và để cảm xúc lấn át lý trí, trong khi đã nhìn thấy những văn bản đầy lổ hổng và bất lợi nghiêng về phía bọn bố.
9.1 Lời ong tiếng ve
Diễn viên chính trong phần này là mẹ ông NQT. Trước nay thì bà là người chủ mảnh đất, cũng là người đứng tên hợp đồng thuê đất ký với chú VVK.
Trước khi những sự kiện bên dưới diễn ra. Không ít lần bọn bố đã hóng được những câu chuyện không đầu đuôi. Kiểu như những lời nói bóng gió khiến con người ta lung lạc tinh thần.
Đầu ngõ có quán tạp hoá cô Thuỷ mà bố mẹ hay nhập nước ngọt. Mẹ ông NQT cũng là chỗ xóm giềng quen biết với cô Thuỷ này.
Cũng không ít lần mẹ ông NQT bóng gió về việc thu lại mặt bằng hay tăng giá thuê các thứ. Cô Thuỷ với bố mẹ cũng hay qua lại nên được cô kể cho nghe.
Cô Thuỷ cũng hay nói đỡ cho MCF, vì là dân kinh doanh nên cô hiểu thực tế là như thế nào. Có thể nhìn đông khách đấy, doanh thu khá đấy nhưng lợi nhuận chắc gì đã ổn. Lại thêm ngành này tháng nắng bù tháng mưa lạnh.
Cô cũng khuyên bà ấy nên tạo điều kiện cho người ta làm ăn. Mỗi tháng nhà bà ấy không làm gì, không phải lo nắng mưa, dịch dã (covid) vẫn có tiền đều đều. Chứ nếu gia đình tự đứng ra làm chắc gì đã làm tốt như người ta, lại còn mệt mỏi nữa.
Hợp đồng không có khoản đền bù nếu thu hồi mặt bằng sớm hơn dự kiến. Nên nếu có vấn đề thì 100% người thuê lãnh hậu quả.
9.2 Thuỷ triều dâng
Ông NQT có cô em gái tên Thuỷ. Theo bạn bè bố kể thì làm ngân hàng ở Sài Gòn. Chồng làm mảng xây dựng và gia đình chồng giàu, anh chồng này dân M’Đrắk hay sao ấy? Gia đình đang ở một căn hộ chung cư ở Sài Gòn.
Tin thức đầu tiên về đợt thuỷ triều là nhờ chị bạn bố, chị bạn này có người bạn chơi với Thuỷ. Những người ngày đều từng uống cà phê tại quán rồi. Qua thông tin tám chuyện thì chị bạn bố mới chủ động báo tin cho bố biết.
Cụ thể là gia đình chủ đất sẽ ngưng ký hợp đồng, gia đình thuỷ sẽ bán hết tài sản ở Sài Gòn trở về Dak Lak làm việc. Nghe bảo đã xin được vị trí quản lý tín dụng tại Vietcombank daklak. Thuỷ sẽ thu hồi lại và tiếp tục kinh doanh cà phê dựa trên những gì bọn bố đã phát triển.
Khi bố thông tin cho chú VVK, thì phản ứng ban đầu của chú bao gồm SỰ LO LẮNG CHO MCF – SỰ NGHI NGỜ TÍNH XÁC THỰC CỦA THÔNG TIN và cho rằng người ta đang tung tin phá hoại MCF lẫn gia đình ông NQT.
Bố biết mối quan hệ bè bạn giữa hai gia đình, nên cũng không phản biện nhiều, mà chủ yếu ghi nhận cho xong việc. Nhưng cũng thấy đáng quan ngại trước sự cố chấp trong việc bảo vệ gia đình bên kia của chú VVK.
Căn cứ từ những trao đổi trước đó của chú VVK về quá trình tiếp cận gia đình họ để xin gia hạn hợp đồng, và thêm sự kiện này bố đã hầu như chắc chắn sẽ có những trắc trở khác.
Từ lúc đó bố đã nghĩ đến những phương án để bảo toàn được đồng tiền của gia đình mình. Việc kinh doanh thì vẫn cứ tiến hành, cốt để thu vốn về được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Lợi nhuận là thứ bố không hề nghĩ đến nữa cho đến hết sau này!
Xác định mình đang ở thế rất yếu và không có văn bản nào để bảo vệ, nên bố cũng không cưỡng cầu nhiều. Những cuộc trao đổi với chú VVK cũng chỉ trong phạm vi công chuyện, thỉnh thoảng thúc ép cho có lệ 1 tí về chuyện chú ấy phải lo đàm phán hợp đồng.
9.3 Nhật thực
Gia đình ông NQT quyết định làm điện năng lượng mặt trời. Tin này được chú VVK thông báo cho bố. Tất nhiên là MCF luôn ở thế bị động.
Những phác thảo đưa ra đều hạn chế ảnh hưởng nhất đến kết cấu MCF. Đây là một kết cấu cao hẳn và trùm lên trên quán.
Để xoa dịu thì họ cho rằng phần thiết kế này giúp quán không bị nắng, che bớt mưa. Lại được sử dụng điện mặt trời giá rẻ hơn nhà nước. Ừ thì tạm cho đó là những cái lợi vậy.
Nhưng chúng tôi vẫn còn trong thời hạn hợp đồng mà, tại sao ông bà lại có thể thi công trong thời điểm này?
Trả lời câu hỏi trên chỉ có thể nói rằng do hợp đồng ban đầu quá lỏng lẻo. Chẳng có sự ràng buộc gì cho đoàn hoàng. Một tờ giấy nháp không hơn không kém.
Sự kinh thường mà MCF phải chịu đựng cao điểm nhất là ngày động thổ. Bố không còn nhớ cụ thể ngày nào, nhưng đó là một sáng thứ 7, khách đông.
Lúc đó đủ cả vợ chồng con cái ông NQT, mẹ và bố ông ấy. Tốp thợ đi vô và bắt đầu đục đào cạnh bàn khách ngồi. Cả bố cả chú Qu cũng không thể chấp nhận và hiểu được!
Bố gọi cho chú VVK đến, và quan sát hai bên trao đổi. Một bên nhún nhường truy hỏi, và một bênh thì lơ đểnh trả lời. Tức là gia đình bên đó cũng chả báo trước gì cho những người ở MCF biết.
Bố ra đứng trước quán phụ sắp sếp lại xe, cũng như đồ đạc của tốp thợ cho gọn. Bà mẹ ông NQT ra về trước thì gặp bà bạn trong xóm. Bố nghe được là nay ngày giờ tốt nên động thổ. Và nghe bà ấy chém là điện mặt trời lời lắm, còn khuyên bà bạn về làm theo.
Nói oang oang, vô học và chả có gì là tôn trọng những người đang thuê mặt bằng.
10. Quá trình ngưng hợp tác
Để đi đến quyết định ngưng hợp tác này thì cũng không có gì ngạc nhiên. Việc này chỉ là hệ quả của nhiều sự kiện mà thôi. Thời điểm ngưng hợp tác cũng là bắt đầu năm kinh doanh thứ 3.
Trước khi đặt vấn đề thì bố mẹ đã suy nghĩ kỹ. Nếu vì vấn đề lợi nhuận thấp thì vẫn chấp nhận được, cố gắng thì cũng hoàn vốn, chỉ là khá lâu. Nhưng dù sao cũng có dòng tiền. Tuy nhiên trước những rắc rối mặt bằng thì mình luôn là người bất lợi, cho nên quyết chí rút ngay.
10.1 Lập lờ trong khái niệm rút vốn
Vấn đề đặt ra là liệu có bảo toàn được vốn gốc hay không. Dù trong bản “Thoả thuận hợp tác kiêm hợp đồng góp vốn, tại điều 9 – Ngưng hợp tác, ngưng kinh doanh” có quy định rõ về việc rút toàn bộ vốn góp, tức là 180tr.
Quá trình đàm phán thì chú VVK lập lờ không đụng chạm rõ đến câu chữ này, mà lái câu chuyện sang giả dụ việc thanh lý quán sẽ được con số XXX, thì sẽ hoàn lại 43% của XXX đó cho bố. Mà rõ ràng là trước đó chú đã có xem lại hợp đồng, vì bản thân chú tự nhắc đến việc bố đã bước vào năm hợp tác thứ 3, là điều kiện để ngưng hợp tác theo hợp đồng ký trước đó. Việc cố tính lập lờ này là sai, và làm trái hợp đồng. Về giấy tờ bố có thể khởi kiện.
Tại sao lại lăn tăn về việc này khi đã có giấy trắng mực đen. Vì thực tiễn thì ngoài lý ra còn phần tình cảm. Nếu ép buộc chú VVK thực hiện đúng thoả thuận thì sẽ lao đao tài chính. Nếu nói thẳng ra thì tài sản của chú có dư để trả. Và nếu là người lớn làm ăn nghiêm túc với nhau thì còn tài sản tức là còn khả năng vay ngân hàng để trả cho đối tác.
Một lý do nữa là do Thoả thuận ban đầu như ở phần 4 bố có nói được thảo ra với tầm nhìn ngắn, cũng như thiếu hiểu biết về luật.
Bố mẹ có bất đồng về chủ đề này, nhưng cũng chốt rút một phần. Cụ thể là bố tính sơ phần lợi nhuận trong 2 năm qua rơi vào tầm 80tr. Vậy sẽ thu hồi 100tr. Tính toán là thế, nhưng khi bắt đầu đặt vấn đề thì hai bên trả giá còn 80tr.
Khoản tiền này được chú VVK gợi ý bố đặt là phần chi trả lợi nhuận kinh doanh cho sang mồm, bên chú VVK sẽ phải trả cho bố. Phân tích về hoàn cảnh, bản chất câu chuyện thì cách đặt tên kia sai hoàn toàn. Lợi nhuận thì mỗi tháng kinh doanh bố đã lấy phần của mình rồi.
Nhờ tư vấn từ các bạn công chứng viên thì đơn giản nhất là hai bên cứ ra làm cái giấy vay nợ. Nhưng chú VVK cho rằng chú không nợ nần gì bố, làm vậy nghe hơi nặng nề. Cho nên cách gọi kia chỉ là một biện pháp mà chú VVK dùng để trốn tránh thực tại mà thôi.
Thế là hai bên đi đến ký kết một văn bản khác, kể từ ngày ký thì hợp đồng góp vốn cũ không còn hiệu lực. Từ lúc đó đơn thuần chú VVK phải tìm cách trả cho bố 80tr, không phụ thuộc việc MCF từ đó có hoạt động hay không.
10.2 Hành trình nhận tiền
Bố chủ động đề nghị chú trả thành nhiều đợt để tránh áp lực tài chính cho chú. Nhưng chú nhất quyết chủ động đề xuất chia làm 3 lần trả, đợt cuối cùng là ngày 16/06/2022. Việc này theo chú là tránh làm lẻ tiền của bố mẹ, giúp bố mẹ chủ động sử dụng số tiền đó làm ăn.
Căn cứ vào những thảo luận và cho về nhà để suy nghĩ tính toán lại các đợt chi trả. Bọn bố đã chốt số và ra biên bản, có chú PQH làm chứng.
Nhưng mà đến hạn thì chú tiếp tục xin thêm 1 lần thứ 4, là ngày 15/12/2022. Lý do là quán hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, tóm lại là than thở rất mệt.
Thật ra đến thời điểm đó thì việc chi trả này chẳng còn liên quan gì tới hiệu quả kinh doanh của quán cả, bên bố mẹ cũng chẳng có nghĩa vụ phải thông cảm. Và hơn nữa biên bản ghi nhớ được tạo ra với tinh thần rất tôn trọng, tạo điều kiện hết mức cho nhau, đã cho thời gian suy nghĩ nhưng đến cuối vẫn bị vi phạm. Và chú VVK vẫn sử dụng phương pháp cũ là than vãn, kể khổ.
Đợi cho đến ngày 16/12/2022 không thấy động tĩnh gì nên khi cả nhà đang ăn sáng, bố tranh thủ gọi điện cho chú VVK. Chú lại hẹn sang 31/12/2022 vì đang bận thanh lý cái quán, vì như từ đầu câu chuyện đã nói thì chủ đất đòi mặt bằng trước cuối năm. Ừ thì thôi chú bận thật mà.
Tất nhiên trường hợp xin khất nợ như trên khá phổ biến, diễn ra trên quy mô cá nhân, công ty, tập đoàn luôn. Vì căn bản khi mình tạo điều kiện cho đối tác khắc phục hậu quả thì cả hai bên đều lợi và có hướng phát triển lâu bền.
Nhưng đó là những trường hợp cần có sự trao đổi, giám sát kỹ càng, một kế hoạch chỉnh chu để đảm bảo đối tác kiểu gì cũng hoàn thành mục tiêu cuối cùng. Và phía bên kia cũng phải là người có tiềm lực về tài chính thì họ mới không rơi vào khủng hoảng khi bị đọng vốn.
10.3 Ai khó khăn?
Xét lại trường hợp này, bố mẹ ra riêng với hai bàn tay trắng. Nhà chưa có, phải đi ở thuê, năm đó chuyển nhà đến 3 lần, đất nằm trong ngân hàng. Bố mẹ chưa than thở khổ não thì chớ! Tiền thuê nhà lúc nào cũng đóng đúng và đủ, nếu chưa có thì cũng phải mượn tạm chỗ khác để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng đã ký.
Giả dụ bố mẹ có than thở, giả nghèo giả khó xin khất vài ngày thì vẫn được, vì mình ở lâu dài và cũng có quan hệ tốt với chủ nhà. Nhưng xét thấy chẳng cần làm thế. Mình đủ khả năng xoay, đủ khả năng trả, nên không cần vin vào sự thương xót của người khác làm chi.
Khi còn làm chung thì bọn bố vẫn hay khóc với chủ mặt bằng, để mong họ nhẹ tay. Mà thật sự lúc đó là khóc thật chứ cũng chẳng phải đùa. Nhưng giai đoạn ngưng hợp tác và giải quyết 80tr này chú VVK vẫn than thở với bố thì thật là không phải.
Đồng hành 2 năm thì khó khăn đôi bên đều hiểu được cả. Cho nên thiết nghĩ cần phải tôn trọng giấy tờ mình đã ký, không ai ép mình ký cả. Các điều khoản cũng được cho thời gian suy nghĩ thống nhất trước rồi mà.
10.4 Lại xin khất nợ
Qua việc xin khất sang 31/12 là bố mẹ thấy có bất trắc rồi. Nhưng sáng hớm hôm đó bố nhận tin nhắn chú hẹn sang sáng hôm sau, vì đang đi Đà Lạt.
Thế là sáng đầu năm 2023, bố đèo con đi mua cháo và bánh mì, chạy sang quán cà phê gần shop mẹ làm gặp chú VVK.
Câu chuyện bắt đầu từ chuyến đi Đà Lạt của chú ấy cùng chú Hưng. Bố hay gọi là chú Hưng BĐS, cũng là cựu nhân viên lứa đầu tiên ở trạm BOT ra.
Theo lời chú ấy thì chú Hưng này bị bạn hàng chạy nợ gần tỉ bạc. Nên hai anh em hôm 31/12/2022 mới đánh xe lên nhà bố mẹ con nợ ở Đà Lạt ăn vạ, nhưng cũng không thu được gì. Ý định ban đầu của chú VVK là nếu Hưng thu hồi được một ít thì chú vay để trả bố 20tr cuối cùng này. Nhưng công cốc.
Vừa nói chuyện vừa cho con ăn, được một lúc thì bố gọi mẹ chạy sang ngồi chơi luôn, tiện thể xem ý mẹ như thế nào. Tất nhiên là mẹ con rất bực mình. Riêng việc làm ăn đã ký tá giấy tờ, nhưng mỗi lần gặp mặt thương thảo cứ viện tình cảm vào liên tục như vậy là điều không riêng bố mà mẹ cũng rất ghét.
Mẹ con thẳng thừng không đồng ý với việc khất nợ, đòi phải thanh toán trước tết âm lịch. Những than thở như việc mất nguồn thu, phải trả tiền mặt bằng quý cuối cùng cho chủ nhà, thất nghiệp đều không được mẹ chấp thuận. Vì theo mẹ đấy là kinh doanh, phải có rủi ro. Các dấu hiệu bất ổn định hiển hiện rõ ràng như vậy rồi, chẳng qua do chú ấy cố đấm ăn xôi nên mới bị động.
Cuộc cãi vã cũng không đi đến đâu, vì chú ấy như kẻ vào đường cùng, giở những cái lý cùn ra nói, còn bảo có thuê gian hồ đến nhà cũng không có tiền trả.
Đây chắc có vẻ là cú sốc lớn khi mà lần đầu tiên có người phụ nữ, lại nhỏ tuổi hơn nói chuyện thẳng thừng tay ngang như thế. Bố thấy đây là bài học làm ăn thực sự với chú ấy. Đâu phải gặp ai cũng cứ lôi tình cảm vào nói chuyện được.
Nhưng tại sao sau khi thanh lý trọn gói cái quán được 120 triệu mà chú ấy không có tiền trả bố? Tựu chung một số ý như sau:
- Theo lời chú thì người mua đã trả trước 70tr, còn 50tr hẹn đến 1/6/2022 trả nốt. 70tr đầu tiên chú đã mang trả tiền mặt bằng quý cuối cùng, tiền điện nước các thứ… Nói tóm lại là làm gì đó mà hết rồi.
- Bây giờ chú không còn nguồn thu nào nữa, thất nghiệp nên không có khoản nào để trả.
- Vợ chú làm thiết kế, mà các công trình đang trì trệ, khách hàng chưa thanh toán.
- Mấy tháng trước chú mua 1 con xe cũ tầm 70tr để về lái cho quen tay, để sau mua xe tốt đi cho đỡ bỡ ngỡ. Mà cái xe cũ nên hỏng mãi, sửa tốn tiền cũng không đi được nhiều.
- Chủ đất đòi mặt bằng gần tết. Ban đầu chịu thu lại quán với giá tầm 130tr. Nhưng sau đổi ý, bảo rằng có vốn để tự đầu tư mới nên không mua lại nữa. Nên chú không chủ động được tài chính.
Việc thanh toán đủ hết cho bên nhà chủ đất các khoản, về lý là đúng. Nhưng rõ ràng nó sẽ khiến chú không còn đủ thanh toán cho bố. Điều này chắc chắn chú đã nhìn ra. Vì thế bố khẳng định việc chọn đối tượng nào để khất nợ đã được chú lựa chọn, chứ không phải là vì tình thế ép buộc.
Chưa kể số tiền lời trong khoảng thời gian kinh doanh từ ngày 16/06/2022 [đợt chi trả thứ 3 theo thoả thuận] đến nay được sử dụng như thế nào mà không trích lập ra để trả cho bố?
Về vấn đề chú ấy cho rằng chủ mặt bằng trở mặt không thu lại phần tài sản trên đất kia cũng không đúng đắn về lý và tình. Chẳng qua là chuyện thuận mua vừa bán mà thôi. Bên ông NQT không có trách nhiệm phải mua lại khối tài sản đó. Cái lỗi ông NQT mắc phải là không suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định. Đáng nhẽ ra nên thòng thêm một câu là ” Cho anh 10 ngày suy nghĩ rồi sẽ đưa ra quyết định”. Khi đó bên bán cũng có thời gian tìm mối khác nếu ông NQT không mua lại. Mà ông NQT lúc đó cũng không bị hớ, và có thêm thời gian cân đo đong đếm.
10.4 Những điều rút ra
Từ đầu đến cuối thì bố thấy từ chủ mặt bằng cho đến đối tác đều chẳng xem những văn bản có tí trọng lượng nào. Chính vì thế cũng là nguyên nhân khiến bản thân họ gặp rắc rối. Cũng như cứ liên tục dùng cách than thở sẽ khiến người khác nghi ngờ về sự thật, cũng như thiếu sự tin tưởng vào mình. Các cuộc nói chuyện trở thành màn diễn kịch, cho nên 2 bên đều tự nảy sinh ác cảm sâu sắc.
Về lâu dài thì cần trao đổi trên phương diện rõ ràng, đừng lúc nào cũng than thở, kể khổ. Làm vậy lâu dài người ta sẽ không còn tin vào mình. Muốn họ tin thì show số liệu và phân tích ra.
Làm ăn thì nên dựa vào các hợp đồng có sự chi tiết cao. Bổ sung thêm các khoản phạt khi làm sai các điều khoản. Lưu ý rằng không phải bất cứ giao kết nào được đôi bên đồng ý là đã đúng pháp luật.
Luật có những quy định khung, là thứ mà các hợp đồng dân sự thảo ra trước tiên phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu đó. Tốt hơn hết là nên nhờ cty về luật tư vấn về nội dung các hợp đồng, và những tình huống xử lý nếu vi phạm.
Nên tìm hiểu thêm các quy định pháp luật, các mô hình kinh doanh có đăng ký kinh doanh để đi lâu dài. Và các mô hình đó có đủ điều kiện pháp lý để các cổ đông bảo vệ được quyền lợi của mình.
Một vấn đề thuộc về kinh nghiệm nhìn người, cái này hơi khó, nhưng không hẳn là không làm được. Đó là phải tìm hiểu kỹ về phong cách, khẩu vị của người mình muốn làm ăn chung. Việc này cần thời gian, óc quan sát, và khả năng thu thập thông tin, cả thông tin về gia đình người ta nữa. Con người là thứ bất định mà, cho nên mới sinh ra các quy định luật lệ để quản lý tránh cho con người làm xằng bậy. Nhưng khi phải dùng đến công cụ đó thì mình cũng tốn thời gian, sức khoẻ, tiền bạc.
Không lựa chọn làm ăn với người mà lúc nào cũng sẵn sàng mang yếu tố tình cảm vào. Việc làm này khiến họ hình thành một loại thói quen xấu khó bỏ. Cũng như đánh mất sự tin tưởng theo thời gian.
Cũng nên nói thẳng ngay từ đầu với đối tác ( kể cả là bạn bè, người thân) về việc không chấp nhận sự đan xen tình cảm trong quá trình thực thi các hợp đồng. Nếu giữa đôi bên còn lăn tăn việc này thì không vội, cho thời gian suy nghĩ, sẵn sàng huỷ bỏ nếu cần thiết, tránh khó xử về sau.
10.5 Ví dụ về thực hiện cam kết
Đoạn này bố xin kể thêm chuyện về gia đình chú hàng xóm mới nhà mình. Gia đình chú 5 người, Con trai lớn lúc đó học lớp 2, bé út trùng họ tên với con nhưng hơn con 5 tháng.
Gia đình chú gốc huyện M’Drak, làm ăn và có nhà ở hẻm 140 Nguyễn Lương bằng. Đợt cuối năm 2022 làm ăn mà bị thất bại mất một số tiền khá lớn. Vì thế để giải quyết, đền bù cho đối tác đã quyết định bán nhà đất và sang thuê bên cạnh nhà mình. Chú sinh năm 1987, sau những năm làm ăn thì tất nhiên vẫn có chút tài sản khác chứ không phải mất hết.
Điều bố muốn đề cập đó là người ta chấp nhận thiệt hại, bán tài sản để giải quyết. Người ta có than thở không? Tất nhiên là có chứ, nhưng vẫn phải đền bù, bảo đảm hợp đồng đã ký.
11. Bất cập
Nói thẳng ra thì công việc ở MCF không nặng nhọc gì. Những vấn đề như lau dọn cũng đã được bố mẹ phụ một tay. Hay việc quản lý tiền bạc, xuất nhập hàng đều được bố làm.
Tuy vậy có một cái dở là tính chủ động về tình trạng hàng hoá chưa cao. Đầu hoặc cuối ngày đều không rà xoát xem hôm sau cần nhập những gì.
Từ quản lý đến pha chế đều làm dở điều này. Nhiều khi sáng bố đã nhập hàng về, nhưng đến chiều lại báo phải nhập thêm vài món nữa. Rất lắt nhắt và mất công.
Mức đầu tư có giới hạn nên quán cũng bị giới hạn phân khúc khách hàng. Giờ suy nghĩ lại nếu với tầng lớp khách đang nhắm đến, thì không gian không cần quá lắt léo vẫn có thể lấp đầy bàn được. Vừa tiện phục vụ, vừa tiết kiệm được chi phí xây dựng và bảo dưỡng.
Một thứ mà ít người để ý, đó là sự sáng tạo. Không cần phải quá phá cách mới gọi là sáng tạo. Mà chỉ cần nhân viên chủ động trong công việc hơn. Chịu tìm tòi một số món mới, và chịu khó mời khách các món đó là được. MCF không hề khó khăn trong việc cho phép các bạn thử và sai.
Sự rập khuôn mà không chịu cập nhật mình thể hiện cả qua danh mục nhạc được các bạn phát lặp lại ngày ngày sang ngày khác. Đến độ bố phải tự làm list nhạc đưa cho các bạn ấy.
Công cụ và dụng cụ được mua sắm theo đúng nhu cầu và đề xuất từ nhân viên. Tuy nhiên bố thấy họ bảo quản không tốt, cũng như không tận dụng được chúng để tăng khả năng bán hàng. Ví dụ cụ thể như bộ bảng Led và bút phản quang nhiều màu có sẵn đó. Được bố treo trước cửa chính. Nếu tận dụng nó để vẽ vời, ghi những trích dẫn hay, hoặc giới thiệu món mới thì rất là đẹp. Nhưng chắc chỉ trừ khi bố đề xuất thì họ mới thay đổi nội dung mới.
12. Một số mẩu chuyện khác
12.1 Chuyện về Th, nhân viên pha chế đầu tiên của quán
Cậu này tuy làm pha chế nhưng lại không nhớ tên nguyên liệu. Một buổi trưa bố check camera thì thấy bạn này gom hết tiền trong két cho vào túi. Giờ đó thì cậu vừa kết hợp trông quán vừa tranh thủ nghỉ ngơi. Nên có thể đó là cách chống trộm mà cậu nghĩ ra. Nhưng như vậy là hoàn toàn không cần thiết.
Cậu này vẫn thỉnh thoảng dùng chất kích thích và có lối sinh hoạt phá sức khoẻ. Vì thế thường hay đờ đẫn, thiếu sức sống. Phong thái làm việc có phần bất cần và thiếu sự chỉnh chu.
Thật ra thì bố muốn ngưng hợp tác từ sớm. Nhưng do vẫn chưa tìm được người backup nên tạm giữ lại.
Đỉnh điểm để MCF ngưng hợp tác là khi khách hàng trao đổi, và hỏi sao cậu đi làm mà thấy bê tha vậy. Thì nhận được câu trả lời là quán chỉ trả cho từng đấy tiền, thì cần gì phải làm cho nhiều. Sự việc này khiến chú Quang bực bội và phản ánh lại bố.
Tổng hợp các sự kiện trên nên hai chú cháu thống nhất chiều hôm đó, sau khi đi làm về bố sẽ gởi lương, thưởng và một khoản hỗ trợ thêm rồi thông báo ngưng hợp tác với cậu.
Trong cuộc nói chuyện vào cuối giờ hôm đó. Bố cũng xin lỗi cậu vì chưa thể đưa quán phát triển hơn, chưa thu hút được nhiều khách hơn, doanh thu và lợi nhuận còn thấp nên không đủ khả năng nâng lương cho cậu.
Thực tế thì cậu ấy nói cũng đúng như quan điểm của bố về mối quan hệ kinh tế giữa người chủ và người lao động. Trách nhiệm phải tương xứng với đồng lương. Về điểm này cậu ấy đã đúng.
Nhưng nếu vậy cậu hoàn toàn có thể chủ động rời bỏ MCF để đầu quân cho nơi chi trả xứng với năng lực cậu ấy. Cái sai của cậu là ở lại và lan toả sự trì trệ, uể oải, thiếu chuyên nghiệp cho những người khác. Hơn thế còn làm giảm chất lượng phục vụ khách hàng của MCF.






