Câu chuyện thần tượng này hẳn là vô thức hình thành trong đa phần mọi con người. Mình xin lỗi vì chả dẫn được số liệu nào cho phát ngôn trên! Mình chỉ ví dụ bởi khi còn bé, trong vô thức, trong bản năng thì đứa trẻ luôn thấy bố mẹ mình thật tuyệt vời, thật to lớn và có thể làm mọi việc.
Khi so sánh kỹ năng và khả năng của trẻ nhỏ với người lớn. Thì những việc bình thường bố mẹ hay làm, qua lăng kính của chúng đều trở nên thật vĩ đại. Đấy chính là phiên bản sơ khởi của việc thần tượng người nào đó.
Khi đi học thì hay có kiểu thần tượng thầy cô giáo vì xinh trai đẹp gái, vì giọng truyền cảm, vì giỏi giang… Hoặc thần tượng bạn học nào đó vì bạn giỏi hơn mình.
Rồi thì thần tượng các ca sĩ, diễn viên. Thần tượng sếp, thần tượng lãnh đạo, thần tượng người học vị cao. Thần tượng bất kể những ai giàu… Thần tượng các cầu thủ. Thần tượng các tác giả viết sách.
Nói chung là có đủ thứ để người ta thần tượng. Xã hội phát triển thì nảy sinh cả việc thần tượng những nhân vật hoạt hình, những nhân vật trong game. Nói chung là những sản phẩm số.
Bản thân tác giả bài viết, trong quá trình phát triển cũng trải qua những điều phổ biến đó, tuy là không thể hiện nhiều ra ngoài.
Khi còn trong giai đoạn học tập nói chung (không giới hạn trong 12 năm học phổ thông và 5 năm đại học). Kiến thức về chuyên môn còn thiếu và yếu (mà chắc do mình lười học). Khi đó mình có thần tượng thằng bạn đại học.
Chuyện thằng bạn IQ cao nhưng ở dơ
Anh em thuê trọ ở sát nhau, vì thế nhật ký sinh hoạt, tắm rửa, ăn uống của hắn mình nắm rõ. Dĩ nhiên kiểu học của hắn cũng vậy.
Tên này hắn ở dơ thì thôi rồi, tuần không tắm là bình thường. Mình vẫn ám ảnh cái mùi chăn nệm của nó, cùng hình ảnh gàu trắng đầu! chăn nệm thì hiếm khi giặt. Chúng hoà quyện với cáu ghét, mồ hôi, da chết, gàu tạo nên một thứ mùi khó tả. Lớp ghét dính trên tay chân, trên lưng, trên cổ hắn.
Trên không gian mạng hắn trở nên hoạt bát, là một con người bình thường. Nhưng trong đời sống thật thì khả năng trao đổi giao tiếp không tốt như số đông. Không hẳn là tệ, mà là không đủ độ tinh tế mà thôi. Chứ còn các hoạt động tập thể, đi dự này dự kia vẫn chơi bình thường, thích được tham gia nữa cơ.
Về đường học hành, so với mặt bằng trong lớp thì hắn giỏi vượt trội, kiểu thần đồng. Không học nhiều kiểu như đa số, vì thông minh nên chỉ cần lướt qua các giáo trình kỹ thuật là đã hiểu vấn đề. Tự nghiên cứu thêm và đã làm được nhiều thứ hơn những sinh viên cùng khoá.
Đặc biệt vui là khi được gái hẹn đi đâu là thể nào trước đó cu cậu cũng tắm dọn sạch sẽ, ủi đồ đi chơi đàng hoàng luôn nha!
Với tính cách và kiểu sinh hoạt như vậy, anh em hay bảo có chó nó yêu mày! Cơ mà hắn là là đứa có bồ một cách nghiêm túc nhất, và đi đến hôn nhân trọn vẹn luôn!
Chuyện là cậu chàng có quen trên diễn đàn trường 1 cô bạn quê Hà Tĩnh. Cô bạn này với hắn có điểm chung là gia đình không phải khá giả lắm. Từ đó tính tự lập vươn lên bằng con đường học vấn rất cao.
Khi làm đồ án tốt nghiệp thì cậu chàng có chát chít hướng dẫn cho cô bạn này. Rồi về sau hai đứa gặp trực tiếp, đi chơi đi bời. Ra trường thì cả hai chọn Đà Nẵng là nơi làm việc.
Cả hai do học hành ổn, làm được nhiều thứ từ khi sinh viên, lại chăm chỉ tham gia các diễn đàn kỹ thuật của các công ty công nghệ, nên gần như ra trường là đi làm ngay.
Hai vợ chồng làm được năm đã mua đất xây nhà, sinh con. Về vấn đề tài chính nội bộ thì mình không nắm rõ. Nhưng nếu công việc ổn và thu nhập cao thì vay lương rồi mượn thêm gia đình sắm sửa đất đai là có thể, làm trả dần thôi.
Nghe ông anh bạn hay ghé Đà Nẵng chơi thì cậu chàng vẫn còn giữ lại chút phong cách sinh hoạt khi xưa. Và chuyện quán xuyến gia đình thì vẫn chủ yếu là vợ. Còn cậu chàng vẫn đam mê và thành công với nghề code và tiền bạc mà công việc này mang lại.
Các bạn thấy đó, một con người về học thuật và IQ rất là thành công, tạo ra được giá trị nằm ngay ở bản thân. Có thể còn nhiều người giỏi hơn đấy. Nhưng so sánh với đa số thì không thể phủ nhận được năng lực IQ như vậy! Và sự thật là bằng IQ đó ông bạn đó đã làm ra tiền chu cấp cho cả gia đình.
Như vậy hắn ta trở thành hình ảnh đáng ca ngợi và mong muốn trở thành của chắc không ít người, trong đó có cả mình. Việc thần tượng cá nhân như vậy thì chẳng có gì là sai nhỉ?
Thế nhưng rõ ràng đa số sẽ không thần tượng về phong cách sinh hoạt của hắn. Có thần kinh thì mới ca ngợi và cố gắng học tập tấp gương ở dơ và cái tính nghễnh ngãng trong sinh hoạt của hắn!
Đấy! Một con người sẽ có nhiều khía cạnh. Mỗi khía cạnh đều có thể là thế mạnh hoặc điểm yếu. Còn nếu mạnh hết thì chắc là thánh rồi.
Sự ảnh hưởng của thiên kiến
Trong thời điểm mạng xã hội và truyền thông phát triển. Nhiều người bỏ công sức và tiền bạc để mua những bài báo, tạo cho mình một network profile rất đẹp, thu hút hàng vạn lượt theo dõi, mỗi phát ngôn của họ được xem như chân lý.
Ngoài yếu tố truyền thông kể trên. Nhiều người ở thế hệ cũ lẫn thế hệ mới, do được hấp thu nền giáo dục một chiều quá lâu, cộng thêm việc ít đào sâu suy nghĩ. Nên hay có sự thần tượng mù quáng, bất chấp đúng sai. Họ thần tượng từ các chính khách phương Tây, đến cả sống chết ca ngợi cái sai của tên độc tài Putin (kẻ gây chiến tranh với Ukraina, và bị đại đa số hội đồng liên hợp quốc lên án).
Vì thế bản thân mỗi người phải tự hình thành sức đề kháng trước những thông tin nhiễu loạn đó. Phải học và thực hành kỹ năng phản biện, để biết điều tiết sự cuồn tín của bản thân.
Một điều nữa là khi đánh giá ai, cũng phải đánh giá đúng vấn đề cần mổ xẻ, không đá sang những vấn đề khác. Và đừng để học hàm học vị ảnh hưởng đến những đánh giá đó.
Bản thân mình thỉnh thoảng vẫn review vài đầu sách của những tác giả có học hàm học vị là GS, TS… Nhưng ngoài nhắc tới học hàm học vị trong phần giới thiệu profile của họ, còn lại mình chỉ dùng danh xưng là Ông/Bà/Anh/Chị một cách trung tính. Chắc sẽ có người mới đọc sẽ bảo thằng này mất dạy, không tôn trọng tác giả sách.
Nhưng không bạn ơi, học hàm học vị là chứng nhận cho quá trình học hành, nghiên cứu. Chẳng phải vì chúng mà có quyền bắt tôi phải tôn trọng tất cả các mặt đời sống của họ. Trong khi đó đòi hỏi review là phải mang tính khách quan. Xưng hô Ông/Bà/Anh/Chị vừa đảm bảo sự đúng mực, vừa tránh sa vào các thiên kiến.
Như ông bạn đại học kể trên, dù học giỏi, IQ cao, nhưng EQ lại kém. Ông ấy giỏi cho bản thân, nhưng bảo lão truyền tải lại kiến thức cho người khác thì thua. Vì về mặt giao tiếp và ngôn ngữ lão kém, kéo theo kỹ năng truyền đạt kém luôn.
Tức là anh học hành, nghiên cứu giỏi, nhưng chưa chắc anh đã có khả năng giảng dạy được.
Ảo ảnh và thực thế cuộc sống
Xin kể thêm 1 trải nghiệm cá nhân nữa, trong giai đoạn làm việc từ 2020. Khi sếp cũ đi và sếp mới đến tiếp quản. So với sự bết bát của vị sếp cũ, hình ảnh vị sếp mới này khá lung linh trong mắt anh em. Mọi người nhiệt tình hỗ trợ, đi nhậu làm quen sếp, cũng như tiếp khách cùng sếp. Những thông tin về công việc trước đó, về gia đình của sếp khá là nice.
Nhưng sang năm thứ 2 thì chiều hướng đi xuống. Sau khi va chạm trong điều hành và quản lý. Sau những cuộc vui rượu vào lời ra… thì ảo ảnh tan dần.
Về khách quan phải ghi nhận về sự táo bạo, xông pha và hi sinh cho công việc của sếp mới. Và đó cũng nên là yêu cầu tối thiểu cần có ở vị trí lãnh đạo.
Nhưng vấn đề là:
Sếp mang tâm lý phải được nhân viên o bế, các cuộc vui phải được anh em bao tiêu. Và tâm lý “không có anh thì không có các chú”. Tóm lại là các anh em phải cung phụng sếp cho sếp vui.
Sếp nghĩ vậy, cộng thêm chi phí tiếp khách ở nơi mới thấp nên càng bào ác hơn. Mà trong khi thu nhập của anh em không thay đổi nhiều, lại bị bào mòn, tốn thời gian và sức khoẻ khi nhậu nhẹt tiếp khách của sếp. Chuyện gì đến cũng phải đến.
Dần dần thì chính những cánh tay phải được sếp đưa về lại ra đi trước tiên. Những câu chuyện dần dần được tiết lộ. Sự mâu thuẫn trong điều hành, quản lý, những pha ăn nhậu say xỉn đánh mất cái thằng người dần làm nội bộ lục đục.
Đến lúc này sự đoàn kết tập thể là không còn, mục đích duy nhất đó là làm việc cho lợi ích của mỗi người. Tình thân, sự hỗ trợ giữa các phòng ban rất là nhạt.
Như thế ai cũng có thể vì cuộc sống, vì áp lực mà thay đổi, hoặc là tính nết họ như vậy rồi. Chẳng qua chưa tiếp xúc đủ lâu để lộ ra mà thôi.
Mỗi một cá nhân đều tồn tại nhiều mặt, và không có ai là thánh cả. Làm tốt việc này và dở việc khác là điều quá đỗi thường tình. Có những anh đi làm thì đạo mạo, nhẫn nhịn, nhưng khi về nhà thì ném những bực dọc lên vợ con.
Rồi cũng có những ông nhìn hổ báo, ra ngoài làm ăn bên ngành vận tải Bắc Nam rất máu, nhưng lại không thích rượu, mà cũng chẳng to tiếng với vợ con. Đấy là đang nói về ông chủ nhà mình đang ở. Ông bao người ta ăn nhậu phục vụ công việc, chứ bản thân không uống. Một năm chắc uống 2 lần vì là đám đình trong nhà.
Bạn thấy không, ai hay về cái gì thì cứ đúc rút mà học theo sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh bản thân. Chứ đừng thần tượng mọi thứ của họ một cách mù quáng, rồi lâu lâu vừa làm hớp rượu vừa lấy làm chuyện tám trên bàn nhậu. Nó không thực tế.
Vì sao?
Vì nhậu cần sự vui vẻ, cần đến biện pháp tu từ nói quá để tạo kịch tính. Và trên bàn nhậu thì cũng hiếm ai đi phân tích trắng đen, phân tích chi tiết kỹ thuật. Nhậu mà nghe mấy thứ đó nó chối bỏ mẹ. Gặp thằng nó trái quan điểm, không khéo nó lại xiên cho!