Suy diễn, theo ý của bố là những lời khẳng định thiếu căn cứ, thiếu chứng cứ. Suy diễn lúc này mang nghĩa tiêu cực, xuất phát phần lớn từ cảm xúc nhất thời.
Trong quá trình phát triển, trong thời gian đi học, đi làm. Bố thấy hình thức của sự suy diễn khá đa dạng. Nhưng cốt lõi vẫn là sự tiêu cực mà nó gây ra.
Sẵn việc mấy hôm trước nhân viên yhct báo đổi lịch châm cứu cho bà nội sang buổi chiều. Ông nghe được thì bảo chắc do tối qua thức cá độ đá banh nên sáng ra dậy không nổi. Nên mấy hôm rồi bố nảy ra suy nghĩ về chủ đề này.
1. Suy diễn nội tâm
Việc phân loại này mang tính tương đối, theo cảm quan của bố. Bản thân bố cũng hay có kiểu suy diễn nội tâm này. Tức là lúc đó cảm xúc chi phối, khi nghe một sự việc nào đó, trong đầu hình thành ngay những câu chuyện phía sau, với những lắc léo kịch tính nhất mà trí tưởng tượng cho phép.
Chỉ có điều những suy nghĩ trên không được nói ra, chỉ là những suy nghĩ được giữ riêng trong đầu. Chắc không riêng gì bố mà hẳn nhiều người cũng như thế.
Có thể xem đó là phản xạ xử lý thông tin của não bộ. Điểm hay của loại suy diễn nội tâm này, là thông tin không được chia sẽ, nên tác hại nếu có là không lớn. Nói như vậy nghĩa là chúng không hoàn toàn vô hại.
Bởi vì nếu bản thân mình quá xa đà và tâm đắc với những suy diễn đó. Lâu dài sẽ tạo nên bản tính của chúng ta; sự phán xét vội vàng, tính độc đoán và tâm hồn nhỏ nhen.
Vậy có cách nào để bỏ đi tật xấu trên? Hẳn là phải tự thân bồi dưỡng đạo đức, đọc sách mở mang tầm nhìn. Học tập cách phản biện.
Và quan trọng nhất là quan tâm đúng chủ đề. Tức là chỉ bàn chuyện liên quan đến mình, hạn chế để ý chuyện thiên hạ thì tự nhiên thái bình.
2. Suy diễn trong nhóm/tổ chức
Một nhóm người tụ tập với nhau, hoặc trong mỗi tổ chức đều sẽ tự nhiên hình thành các nhóm nhỏ hơn. Đơn giản vì những người có cùng lợi ích (vật chất/tinh thần) sẽ tự thu hút lẫn nhau.
Chính sự khác biệt trong lợi ích và phong cách sống sẽ tạo ra sự phán xét giữa mỗi người, giữa các phòng ban với nhau. Càng nhiều người thì càng rắc rối.
Và cũng vì lợi ích nhóm, hay đơn thuần là sự ít giao lưu giữa các nhóm. Mà thông tin khi truyền đi bị biến đổi. Cộng với áp lực công việc và lối sống nhanh nên cũng ít ai chịu đào sâu tìm hiểu rõ.
Từ đó mỗi con người bị tiếp nhận thông tin sai lệch và tự suy diễn theo nhiều hướng. Những câu chuyện thiếu hụt sự thật và những cảm xúc xấu đó lan toả âm thầm nhưng bám rễ rất sâu trong tổ chức.
Có một mô típ ví dụ thực tế ở đơn vị bố. Đó là những sản phẩm tín dụng dành cho nội bộ. Các thông tin về sản phẩm dạng này chịu sự chi phối của các công văn quy định khác. Cũng như bản chất các sản phẩm tài chính hầu như có sự thay đổi về hạn mức, lãi xuất thay đổi theo tình hình thị trường.
Tuy là người đi vay, nhưng bản thân người vay lại hay lười đọc về các quy trình quy định trên. Cũng như không phải ai cũng hiểu rõ các khái niệm trong tài chính. Dẫn đến khi có những biến động trong quá trình vay, thì lại phát sinh các bức xúc vội vàng, thiếu căn cứ. Dẫn đến các phát ngôn không chuẩn mực, ảnh hưởng đến tâm lý tập thể.
Ở đây không phải khuyên người ta việc “ăn cây nào, rào cây nấy” bất chấp đúng sai của tổ chức. Mà mỗi cá nhân trong một tập thể cần phải chịu khó tìm hiểu rõ ngọn nguồn mọi sự việc trước khi nói.
Có vậy mới làm mình văn minh hơn, tạo ra môi trường tập thể lành mạnh. Như vậy mới là cách bảo vệ tốt nhất cho tổ chức bạn đang làm việc.
3. Suy diễn trong gia đình
Bố thấy tình trạng này là đáng buồn nhất. Gia đình là đơn vị cơ sở của xã hội. Tác động từ gia đình là vô cùng lớn. Tầm tác động này quá là sâu rộng. Gia đình có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự hoàn thiện của trẻ em. Mối quan hệ giữa các gia đình trong họ hàng tốt, thì tạo nên một dòng tộc văn hoá và đoàn kết.
Nhưng thực tế thì bố thấy giữa mỗi gia đình hay có mâu thuẫn, nhất là bản tính đố kỵ. Nhiều người quan tâm nhau theo phương thức xoi mói. Không thực tâm giúp đỡ, mà chỉ hóng hớt câu chuyện làm vui.
Nhìn chung thì mối quan hệ chồng chéo giữa con cháu, dâu rể trong một gia đình/đại gia đình có khi đau đầu hơn cả ở 1 tổ chức!
Buồn cười hơn là lý do cho việc này thường là do thói đố kỵ hơn là vì lý do kinh tế. Vì bố thấy không nhiều những người trong đại gia đình muốn chung chạ làm ăn, họ sợ tiền bạc làm mất lòng nhau.
Các suy diễn vô căn cứ này được thảo luận trong bữa cơm, cho đến trong đám tiệc giỗ chạp. Làm sai lệch tinh thần của những dịp như vậy.
Vì mức độ lặp đi lặp lại cao, nên chịu đựng được hành động này cần sự kiên nhẫn vượt bật, và bố nghĩ rằng chỉ có cách giáo dục lớp trẻ tránh đi vào vết xe đỗ của cha ông là tốt nhất.
Nên cố gắng biến những dịp dỗ chạp, tết nhất thành những buổi để cập nhật tình hình đại gia đình, là lúc để bậc cha ông khuyên bảo góp ý cho con cháu. Là dịp để anh em bàn bạc, bày nhau đường làm ăn.
Nói chung bố cực ghét kiểu suy diễn như vậy. Gia đình là gốc rễ, là máu mủ không đi bảo ban nhau thì thôi. Lại rảnh rổi suy diễn đủ thứ tồi tệ. Hậu quả là gia bản thân lục đục, ảnh hưởng luôn đến những gia đình khác trong họ tộc!
4. Tác hại khi dán nhãn một đứa bé
Định không biến nội dung này phần riêng, nhưng xét thấy vấn đề này hệ trọng hơn ta tưởng, và việc dán nhãn này cũng là 1 hình thức khác của suy diễn. Nên bố tách ra để dễ theo dõi
Và cũng vì khi thảo luận trên diễn đàn, bố có gặp một câu hỏi khá thú vị: “Người lớn hay đánh giá kiểu đứa này chậm chạp, đứa kia tháo vát, nhanh nhạy các thím nghĩ sao?” Trong cuộc thảo luận đó có thành viên nói một câu giống ý mà bố suy nghĩ đã lâu: “Nói thật là nhiều khi do thói quen mà quên mất hậu quả khi dán nhãn 1 người. Nhất là dạy con cần phải tinh tế.“
Khi con lớn và có nhận thức, bố chắc là con sẽ gặp nhiều tình huống như sau: Nhiều người khi chỉ mới gặp hoặc tiếp xúc không nhiều, đã vội vàng nhận định người đối diện là XYZ… Hoặc mới gặp một đứa bé nào đó đã vội khen sau này con có khiếu trở thành ABC. Đó chính là DÁN NHÃN.
a. Tại sao không nên dán nhãn 1 người
DÁN NHÃN hàng hoá, tức là việc ghi chú về tên tuổi món hàng, cũng như thành phần cấu tạo và tính chất của món hàng đó. Nhưng để hiểu thấu món hàng, hãng sản xuất luôn phải trang bị thêm sách hướng dẫn sử dụng.
Vậy khi dán nhãn một con người thì có gì không đúng?
- Mỗi con người sở hữu thể chất và tâm lý độc đáo, phi logic. Các đặc tính của mỗi người là rất nhiều, không làm sao thể hiện hết được thông qua một cái nhãn bé tẹo.
- Vì sự độc đáo bên trong tâm lý mỗi người và tính phi logic nên không thể phân loại một cách máy móc được.
- Mỗi giai đoạn trong cuộc đời, con người đều có những chuyển biến tâm sinh lý riêng, cũng như sự trưởng thành trong nhận thức. Thanh niên khác tuổi trung niên.
- Con người luôn chủ động hoặc bị động trong việc học tập từ môi trường, xã hội. Đó cũng chính là việc khiến con người luôn biến đổi.
- Quá trình hình thành nhân cách, tâm lý của một con người bị đời sống chi phối khá nhiều. Xã hội luôn biến đổi, con người cũng biến đổi. Hoặc có ý kiến cho rằng con người thay đổi nên mới khiến xã hội thay đổi.
Người tốt sa ngã và kẻ xấu hoàn lương luôn hiện hữu trong xã hội này. Như vậy dán nhãn một con người là việc làm không chính xác để mô tả về họ. Bạn không thể mô tả về những thứ chưa hề xảy ra.
b. Hậu quả khi dán nhãn trong giáo dục trẻ em
Trẻ em được sinh ra như tờ giấy trắng. Những năm đầu đời khi mà ý thức, nhận thức, khả năng lựa chọn đúng/sai chưa hình thành. Thì rõ ràng cha mẹ và xã hội giữ vai trò chủ chốt để tạo nên đứa trẻ tốt.
Và như phần trên có nói về tính phi logic (tức là không đoán định được) trong sự trưởng thành của con người. Rõ ràng đứa trẻ sẽ phát triển qua những thăng trầm cuộc đời. Những bài học nó tiếp thu mỗi lúc mỗi khác, góc nhìn về đời sống của nó cũng biến đổi, dẫn đến phản ứng của nó với xã hội cũng khác đi.
Nếu cha mẹ, xóm giềng hoặc giáo viên (rộng hơn là nền giáo dục và xã hội) cứ dựa vào những suy diễn vô căn cứ, bốc đồng, chứa đầy sự nhỏ nhen của người lớn để gắn dính cứng một đứa trẻ vào 1 cái nhãn thì đời em quá đen!
Trách nhiệm của người lớn là phải giáo dục con trẻ. Nếu như trong đầu họ mặc định đứa trẻ này là lì, là bướng, là hư hỏng. Và họ để cảm xúc chi phối lý trí. Khi đó những lời nói tốt đẹp, những phương pháp giáo dục tốt sẽ bị từ chối trao cho đứa trẻ. Và như thế chính người lớn đã tiếp tay, tạo ra đứa trẻ xấu theo đúng góc nhìn hạn hẹp của họ.
b1. Cha mẹ độc hại
Có những bậc cha mẹ vì bản thân không được giáo dục tốt, hoặc do tâm lý có vấn đề nên hay chì chiết con cái ghê gớm, chửi và sỉ nhục con cái. Những người đó được xếp vào thể loại cha mẹ độc hại. Họ khiến đứa con đánh mất tự tin, mất đi nhiều cơ hội khi còn trẻ vì lúc ấy mang tâm lý tự ti do ảnh hưởng từ gia đình.
Ngay cả khi đứa trẻ may mắn được GẮN CHO MỘT CÁI NHÃN ĐẸP, thì điều đó cũng vô tình tạo ra một áp lực phát sinh từ mong muốn của gia đình, xã hội lên đứa bé ấy. Và xui rủi nhất là họ sẽ quay sang thất vọng khi đứa bé không đạt được những điều mà ảo vọng của họ mong chờ. Khi đó tác động tâm lý lại quay ngược đè lên đứa trẻ.
Một đứa trẻ khó bảo, không đồng nghĩa với một người trưởng thành lầm lì, nguy hiểm. Mà anh ta lại trở thành một nhân viên kinh doanh hoạt ngôn, giao tiếp rộng và lo được cho vợ con.
Một cô học trò không thích học, hay chơi bời. Không đồng nghĩa với một người mẹ thiếu quan tâm con cái, hay hời hợt với cha mẹ ruột sau này. Người ta học được nhiều bài học, và trở nên chín chắn, trở thành trụ cột kinh tế cho gia đình và các em. Các trường hợp này bố đang nói về những người bạn mà bố quen biết từ cấp 3.
b2. Những phép thử vô căn
Người lớn hay có trò làm phép thử với đứa trẻ con, sau đó đưa ra những nhận định về tương lai đứa trẻ đó. Họ không biết rằng như thế là xảo ngôn, vô căn cứ và đang làm ảnh hưởng đến tương lai đứa bé.
Trong lễ thôi nôi của dân ta, kỷ niệm tròn 1 năm đầu đời của đứa con. Sau khi cúng lễ thôi nôi cho bé xong, ba mẹ sẽ bày một mâm gồm đồ chơi cho bé và những vật dụng để cho bé bốc. Nhiều người tin rằng, sự lựa chọn của bé sẽ hé mở phần nào nghề nghiệp trong tương lai. Ví dụ bé nhặt cái ống nghe thì sau này làm bác sĩ, nhặt cây bút thì sau này làm nhà văn…
Giờ đây chúng ta biết đó là điều nhảm nhí. Nhưng lại được lưu truyền thành truyền thống nhiều đời. Nó cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
[…] này. Lúc này đang là thời kỳ lạm phát, khủng hoảng an ninh và kinh tế nên người tốt sa ngã ngày càng […]