Vì nội dung mỗi chương khá dài, để độc giả thuận tiện trong việc theo dõi và so sánh các số liệu, người dịch xin tách các chương thành những bài riêng. Sau đây là nội dung chương số 2.
2. Các động lực thúc đẩy sự chuyển đổi thị trường lao động
2.1 Dự đoán tác động của các xu hướng vĩ mô đến chuyển đổi kinh doanh và việc làm
Kết quả từ cuộc khảo sát cung cấp một bức tranh về việc các doanh nghiệp mong đợi cách mà một số xu hướng vĩ mô sẽ tác động đến hoạt động của họ. Các xu hướng từ việc ứng dụng công nghệ đến triển vọng kinh tế vĩ mô và địa chính trị, quá trình chuyển đổi xanh, nhân khẩu học, sở thích của người tiêu dùng dự kiến sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành nghề trong 5 năm tới.
Như được minh họa trong Hình 2.1, các doanh nghiệp xác định việc tăng cường (1)áp dụng các công nghệ mới và tiên tiến cũng như (2)mở rộng việc sử dụng các công nghệ số là những xu hướng có nhiều khả năng thúc đẩy quá trình chuyển đổi trong tổ chức của họ, chúng được kỳ vọng là những xu hướng chủ đạo ở hơn 85% các tổ chức được khảo sát. Việc mở rộng phạm vi áp dụng các tiêu chuẩn (3)ESG trong tổ chức của họ cũng sẽ có tác động đáng kể.
Các xu hướng có tác động mạnh tiếp theo là những vấn đề thuộc nhóm kinh tế vĩ mô, cụ thể là việc (4)chi phí sinh hoạt tăng cao và (5)tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Tác động của các (6)khoản đầu tư để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh được đánh giá là xu hướng vĩ mô có tác động lớn thứ sáu. Tiếp theo là sự (7)thiếu hụt nguồn cung và (8)kỳ vọng của người tiêu dùng xung quanh các vấn đề xã hội và (9)môi trường.
Một số xu hướng mặc dù vẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi của gần một nửa số công ty trong 5 năm tới, nhưng kết quả khảo sát cho thấy chúng chỉ là thứ yếu và không tạo ra nhiều động lực phát triển kinh doanh, đó là: tác động liên tục của đại dịch COVID-19, gia tăng chia rẽ địa chính trị, lợi tức nhân khẩu học ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Các nhà tuyển dụng cũng dự báo tác động mà những xu hướng vĩ mô này có thể tạo ra đối với tình hình việc làm trong tổ chức của họ. Hình 2.2 cho thấy rằng người sử dụng lao động kỳ vọng hầu hết những sự kiện biến động lớn sẽ có tác động tích cực đến tình hình công ăn việc làm, cụ thể họ kỳ vọng đa số các xu hướng vĩ mô sẽ thúc đẩy tăng trưởng ròng việc làm (Net Job Creation).
Trong số các xu hướng vĩ mô được liệt kê, các doanh nghiệp dự đoán động lực mạnh nhất tạo ra nhiều công ăn việc làm là từ các khoản đầu tư tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, yếu tố thứ 2 là nhờ việc mở rộng phạm vi áp dụng các tiêu chuẩn ESG, và xếp thứ 3 là nhờ chuỗi cung ứng trở nên địa phương hóa hơn. Lưu ý rằng đi kèm với sự tăng trưởng trên là một số công việc bị thay thế bởi các tiến bộ công nghệ. Quá trình phải Thích ứng với biến đổi khí hậu và cổ tức nhân khẩu học (Demographic dividend) ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng được đánh giá cao khi tạo ra việc làm ròng.
Tiến bộ công nghệ thông qua việc tăng cường áp dụng các công nghệ mới và tiên tiến cũng như tăng cường vận dụng các công nghệ số – hai xu hướng vĩ mô được các doanh nghiệp đánh giá là có tác động mạnh nhất đến tổ chức của họ trong 5 năm tới – cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm ở hơn một nửa số công ty được khảo sát. Để nhận được kết quả đó thì hệ quả kéo theo là sẽ có một số lượng công việc bị thay thế (job displacement) dự kiến ở 1/5 số công ty. Gần 50% đối tượng được khảo sát còn lại giữ quan điểm trung lập trước những kỳ vọng mà công nghệ sẽ tác động đến tình hình công ăn việc làm. Trong khả năng tạo ra tăng trưởng việc làm (net job), hai xu hướng trên lần lượt xếp ở vị trí thứ 6 và thứ 8. Phần cuối của chương này sẽ thăm dò những công nghệ cụ thể mà các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình tái cấu trúc thị trường lao động.
Ba động lực chính dẫn đến tình trạng mất việc làm ròng (Net job destruction) được dự báo là: tăng trưởng kinh tế chậm lại, thiếu hụt nguồn cung và chi phí đầu vào gia tăng, chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng gia tăng. Các nhà tuyển dụng cũng nhận thấy rằng gia tăng chia rẽ địa chính trị và tác động liên tục của đại dịch COVID-19 sẽ dẫn đến sự gián đoạn thị trường lao động, 50% nhà tuyển dụng cho rằng những điều này sẽ gây tác động tiêu cực đến công ăn việc làm, nữa còn lại thì cho rằng nó sẽ mang lại những tác động tích cực.
Các phần sau đây sẽ tìm hiểu ngắn gọn về ba khía cạnh của bức tranh này: tăng trưởng và lạm phát, thay đổi địa lý kinh tế và quá trình chuyển đổi xanh.
Tăng trưởng và lạm phát
Vào đầu năm 2023, tình hình kinh tế toàn cầu được định hình bởi tổng hoà nhiều yếu điểm khiến lạm phát toàn cầu cao ở mức 8,8% vào năm 2022 – cao hơn trước đại dịch 3,5% – và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế mà IMF dự báo là 2,9% vào năm 2023, dưới mức trung bình dài hạn là 3,8%35. Những yếu điểm này bao gồm chính sách nới rộng tiền tệ và tài khóa giúp giảm bớt áp lực trong thời gian phong tỏa do đại dịch, nhưng lại làm tăng lạm phát, tình hình trầm trọng hơn khi giá lương thực và khí đốt tăng cao do căng thẳng địa chính trị và việc Nga xâm lược Ukraine. Một số ngân hàng trung ương đã thực hiện các biện pháp để chống lại tình trạng này bằng cách tăng lãi suất.
[lời người dịch] Chính sách nới rộng tiền tệ tập trung vào việc tăng cung tiền, trong khi chính sách nới rộng tài khóa xoay quanh việc tăng đầu tư của chính phủ vào nền kinh tế. [kết thúc lời người dịch]
Trong giai đoạn 2023–2027, các nhà tuyển dụng cho rằng tình hình kinh tế bấp bênh này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ: như đã lưu ý trước đó, 3/4 số người được khảo sát cho rằng chi phí sinh hoạt tăng cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm đi sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi trong tổ chức của họ trong 5 năm tới. Khi xem xét 10 nền kinh tế có tỉ trọng doanh nghiệp cao nhất có chung mối quan tâm lớn trước việc chi phí sinh hoạt tăng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi, thì có đến 5 nền kinh tế đến từ khu vực MENA. Trong top 10 quốc gia (có tỉ trọng doanh nghiệp cao nhất) dồn hầu hết lớn sự quan ngại trước việc tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm đi thì có tính phân tán cao hơn, với 3 nước ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (xếp vị trí thứ 2, 3 và 4), bảy quốc gia còn lại phân bổ giữa MENA và Châu Âu.
[Lời người dịch] Trung Đông – Bắc Phi hay MENA (Tiếng Anh: Middle East and North Africa), là một cụm từ gộp chỉ chung về hai khu vực, khu vực Trung Đông/Tây Nam Á với khu vực Bắc Phi. Nó thi thoảng hay bị lẫn với từ Cận Đông hoặc Đại Trung Đông. Nó trải dài từ Maroc tới Iran. Theo wikipedia [kết thúc lời người dịch]
Trong bối cảnh đó, những người tham gia khảo sát cho rằng những thách thức kinh tế sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với thị trường việc làm trong 5 năm tới, cụ thể đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn, thiếu hụt nguồn cung và chi phí đầu vào gia tăng, chi phí sinh hoạt tăng cao, những thách thức đó dự đoán sẽ khiến đáng kể việc làm bị thay thế (Ba nhóm từ dưới lên ở Hình 2.2). Dự đoán này rõ ràng hơn trong các ngành Nông nghiệp và Tài nguyên Thiên nhiên, Sản xuất, Chuỗi cung ứng và Giao thông vận tải, nơi mà tỷ lệ việc làm dự tính suy giảm ròng gần 40%. Ngược lại thì một số ngành được dự đoán ít bị tác động trước những thách thức trên là: các ngành Chăm sóc, Dịch vụ Cá nhân, An sinh, các ngành nghề thuộc Chính phủ và Khu vực Công. Các tổ chức hoạt động ở Mỹ Latinh dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỉ lệ giảm ròng việc làm (net job decline) dự đoán ở mức 40%, Tỉ lệ này ở khu vực châu Âu và Nam Á là 25%.
Thay đổi địa lý kinh tế
Được thúc đẩy bởi các xu hướng kinh tế, môi trường và địa chính trị, nền kinh tế thế giới đang trải qua quá trình chuyển đổi cấu trúc, quá trình này thách thức các động lực truyền thống của toàn cầu hóa, dẫn đến những hệ quả đa dạng.36 Mặc dù các yếu tố như biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế và hoạch định chính sách toàn cầu, nhưng các biến động chẳng hạn như các mối đe dọa đối với khả năng phục hồi chuỗi giá trị gây ra bởi COVID-19 và xung đột địa chính trị, có thể khiến hoạt động kinh doanh tại địa phương trở nên hấp dẫn hơn là phụ thuộc vào sự ổn định của các đối tác quốc tế.
Bằng cách so sánh cách những người tham gia khảo sát ở quy mô toàn cầu (ở năm quốc gia trở lên) mong đợi các xu hướng toàn cầu sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của họ với mong đợi của những người có một cơ sở hoạt động duy nhất, báo cáo này nhận thấy rằng không có sự khác biệt đáng kể nào giữa các nhóm này.
Phân tích dữ liệu khảo sát của báo cáo năm nay cho thấy: Khi so sánh giữa những người làm kinh doanh ở quy mô toàn cầu với những người chỉ sở hữu 1 cơ sở, không có sự khác biệt đáng kể nào trong các dự đoán về tác động của các xu hướng toàn cầu đến hoạt động kinh doanh của họ.
Những xu hướng toàn cầu này khiến các doanh nghiệp cân nhắc các biện pháp để tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của họ, thông qua “nearshoring”, “friendshoring”37 và các cách khác để phân tán rủi ro (ví dụ: chiến lược Trung Quốc+1 giữa các công ty đa quốc gia – theo đó họ duy trì cơ sở sản xuất ở Trung Quốc trong khi đa dạng hóa nhà cung cấp ở các nước khác). Khả năng tái cấu trúc chuỗi cung ứng này đặc biệt phù hợp ở Đông Á, khu vực có thể thấy được lợi ích từ việc đa dạng nhà cung cấp và bớt phụ thuộc Trung Quốc, nhưng cũng có thể thấy khả năng giảm nhu cầu từ các doanh nghiệp châu Âu và Bắc Mỹ đang chuyển chuỗi cung ứng đến gần các cơ sở hoạt động hơn.
[lời người dịch]
Trong ngành kinh tế quốc tế và xuất nhập khẩu, hai khái niệm “nearshoring” và “friendshoring” liên quan đến sự điều chỉnh và thay đổi trong mạng lưới cung ứng của các công ty và tổ chức.
- Nearshoring: Nearshoring ám chỉ đến việc chuyển các hoạt động sản xuất, dịch vụ hoặc cung ứng đến các quốc gia gần với thị trường tiêu thụ hoặc quốc gia mẹ. Thay vì duy trì mạng lưới cung ứng toàn cầu với những quốc gia có chi phí lao động cao hoặc khác biệt văn hóa lớn, các doanh nghiệp có thể lựa chọn chuyển sản xuất hoặc cung ứng gần hơn về địa lý. Điều này giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển, tăng cường tính linh hoạt và giảm thời gian phản hồi với thị trường.
- Friendshoring: Friendshoring là thuật ngữ mô tả sự tập trung hoặc chuyển các hoạt động kinh doanh đến các đối tác hoặc quốc gia có mối quan hệ thân thiết hoặc gần gũi với quốc gia mẹ. Các công ty chọn đối tác hoặc quốc gia có nền văn hóa, ngôn ngữ, quy định và quy trình tương tự hoặc quen thuộc. Điều này giúp tăng cường sự tương tác và sự hiểu biết giữa các đối tác, giảm thiểu sự khác biệt văn hóa và ngôn ngữ, cũng như tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện và dễ làm việc.
Cả nearshoring và friendshoring đều nhằm tối ưu hóa mạng lưới cung ứng, tăng cường hiệu suất và giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động quốc tế. Các khái niệm này thường được áp dụng trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tìm kiếm sự cân đối giữa lợi ích về chi phí, tăng cường tính cạnh tranh và tạo mối quan hệ đối tác hiệu quả.
[kết thúc lời người dịch]
Báo cáo phân tích những diễn biến này bằng cách đánh giá ba xu hướng vĩ mô liên quan đến động lực liên quốc gia và chuỗi cung ứng: (1)căng thẳng địa chính trị gia tăng, (2)nội địa hóa chuỗi cung ứng và (3)tác động của tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng đối với quá trình chuyển đổi của các tổ chức. Hình 2.3 cho thấy các quốc gia Đông Á chiếm ưu thế trong top 10 quốc gia với kỳ vọng rằng những xu hướng này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi.
Những người được khảo sát có những kỳ vọng khác nhau về tác động của ba xu hướng này đối với công ăn việc làm, cụ thể là: (1)nhiều ý kiến trái chiều (thực sự trung lập) về tác động của sự gia tăng chia rẽ địa chính trị, (2)đặt rất nhiều kỳ vọng tích cực trước việc chuỗi cung ứng trở nên địa phương hóa hơn, (3)cuối cùng là dự đoán rất tiêu cực đối với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và chi phí đầu vào gia tăng. Với việc các quốc gia Đông Á rất mong đợi các xu hướng trên mang lại những tác động lớn tới quá trình chuyển đổi kinh doanh, khu vực này cũng có thể phải đối mặt với sự gián đoạn việc làm đáng kể do thay đổi chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị trong những năm tới.
Chuyển đổi xanh
Để đáp ứng các mục tiêu của Hiệp Định Paris – cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2ºC và theo đuổi các nỗ lực hạn chế ở mức 1,5ºC – hoạt động quy mô toàn cầu hướng tới quá trình chuyển đổi xanh đang diễn ra và dự kiến sẽ tăng tốc. Trong khi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ phá vỡ thị trường lao động trong thập kỷ tới, nó cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới.
Dữ liệu trong báo cáo này cho thấy: các khoản đầu tư vào (1)quá trình chuyển đổi xanh, (2)mở rộng phạm vi áp dụng các tiêu chuẩn ESG, cuối cùng là việc (3)thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến sẽ có tác động tích cực mạnh mẽ đến việc tạo thêm công ăn việc làm (Hình 2.3). Tiến hành kiểm tra dữ liệu kỹ hơn còn cho thấy khả năng tạo ra công ăn việc làm sẽ dể nhận thấy nhất trong các lĩnh vực Năng lượng, Vật liệu và Cơ sở hạ tầng, khoảng 10% công ty trong các lĩnh vực đó cho rằng những công việc mới phát sinh là kết quả do những xu hướng trên. Liên quan đến việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG, các tổ chức hoạt động ở châu Phi cận Sahara có mức kỳ vọng ròng (net expectations) cao nhất về khả năng tăng trưởng việc làm (hơn 64% công ty), vượt xa khu vực xếp hạng thấp nhất là Châu Âu (50%). Liên quan đến đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh, mức độ kỳ vọng có vẻ đồng đều hơn, cụ thể với các tổ chức hoạt động ở châu Phi cận Sahara có tỉ lệ lạc quan cao nhất (60%) và Trung Á ở vị trí cuối cùng (53%).
Trong 5 năm tới, những xu hướng này có khả năng thúc đẩy tăng trưởng việc làm thông qua cả đầu tư công và tư nhân. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, 1,8 nghìn tỷ đô la đã được chi trên toàn cầu cho các biện pháp kích thích quá trình chuyển đổi xanh, so với 650 tỷ đô la (đã điều chỉnh theo lạm phát) để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.38 Ví dụ về một số chương trình đầu tư công này bao gồm cam kết Trung lập về Carbon của Trung Quốc, kế hoạch thoả thuận đầu tư xanh của Châu Âu và Đạo luật Giảm Lạm phát gần đây của Hoa Kỳ. Tương tự, các doanh nghiệp đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, thông qua các sáng kiến của riêng họ và các sáng kiến chung. Các nghiên cứu cho thấy rằng đầu tư vào năng lượng tái tạo và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng thường tạo ra nhiều việc làm hơn trong ngắn hạn so với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện chất lượng công việc và tiền lương cũng như hỗ trợ người lao động trong các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon.39
Nhu cầu về việc làm xanh (green jobs) đang tăng nhanh trong các lĩnh vực và ngành nghề. Theo một ước tính gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một kịch bản phục hồi xanh có thể giúp GDP toàn cầu tăng thêm 3.5%, cũng như tác động đến tỉ lệ việc làm ròng, tạo ra 9 triệu việc làm mới mỗi năm.40 Trên toàn cầu, quá trình chuyển đổi xanh có thể tạo ra 30 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng và công nghệ ít khí thải vào năm 2030.41 Đến năm 2030, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tích cực với thiên nhiên (nature-positive economy) chỉ riêng ở Trung Quốc dự kiến sẽ bổ sung 1,9 nghìn tỷ đô la vào giá trị kinh tế quốc gia và tạo ra 88 triệu việc làm mới.42
2.2 Dự kiến tác động của việc áp dụng công nghệ đối với chuyển đổi kinh doanh và việc làm
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đẩy nhanh tốc độ áp dụng công nghệ và thay đổi ranh giới giữa con người và máy móc giữa các lĩnh vực và khu vực địa lý. Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta làm việc, nhưng cũng thay đổi nội dung công việc, các kỹ năng cần thiết và có những công việc đang bị thay thế/biến mất.43 Hiểu được cách thức mà công nghệ sẽ tác động đến thị trường lao động là rất quan trọng để xác định liệu mọi người có thể chuyển từ những công việc đang thất thế sang những loại hình công việc mới mẻ ở tương lai.44
Áp dụng tương đối các công nghệ
Kết quả của cuộc Khảo sát Việc làm trong Tương Lai nêu bật các xu hướng dự kiến sẽ xảy ra về việc áp dụng công nghệ trong các ngành. Hình 2.4 xếp hạng các công nghệ theo xác suất sẽ được các công ty áp dụng vào năm 2027. Cũng như các năm trước, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo nằm gần đầu danh sách này, với khoảng 75% công ty mong muốn ứng dụng chúng trong 5 năm tới.
Dữ liệu cũng cho thấy tác động của việc số hóa ở lĩnh vực thương mại và mậu dịch: Các nền tảng và ứng dụng kỹ thuật số có khả năng được 86% công ty áp dụng, thương mại điện tử và thương mại kỹ thuật số có khả năng được 75% doanh nghiệp áp dụng. Xếp thứ 2 là các công nghệ trong phát triển giáo dục và phát triển nguồn nhân lực được 81% công ty muốn áp dụng vào năm 2027.
Dự đoán tác động của quá trình ứng dụng công nghệ đối với tình hình công ăn việc làm
Quá trình khảo sát cũng thăm dò tác động dự kiến của việc áp dụng công nghệ đối với việc làm. Hình 2.5 cho thấy tất cả (trừ hai công nghệ về robot xếp cuối cùng) các công nghệ đều được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm trong 5 năm tới. Phân tích dữ liệu lớn, công nghệ trong quản lý môi trường và chống biến đổi khí hậu, mã hóa và an ninh mạng dự kiến sẽ là động lực lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng việc làm.
Các công nghệ nông nghiệp, các nền tảng kỹ thuật số và ứng dụng kỹ thuật số, thương mại điện tử và thương mại kỹ thuật số cũng như trí tuệ nhân tạo (AI) đều được dự đoán sẽ dẫn đến sự biến động lớn trên thị trường lao động, một tỷ lệ đáng kể các công ty dự báo sẽ có sụt giảm việc làm ở một số vị trí trong tổ chức, nhưng bù lại sẽ có thêm việc làm ở các vị trí khác, dẫn đến tỉ lệ tăng trưởng việc làm dương ròng.
AI sáng tạo (Generative AI) đã nhận được sự chú ý đặc biệt thời gian gần đây, với tuyên bố rằng AI có thể đảm đương hơn 50% khối lượng công việc của 19% lực lượng lao động45 và tình trạng mất việc làm đang trở thành chủ đề nóng sốt, trong khi những người khác thì lại mong đợi công nghệ này sẽ giúp có thêm nhiều việc làm.46
Dữ liệu khảo sát dự báo rằng chỉ có ngành rô bốt (rô bốt hình người lẫn không phải hình người) là sẽ có tác động tiêu cực tổng thể đến tình hình công ăn việc làm, với tỉ lệ gần như ngang bằng nhau giữa các nhóm công ty dự đoán ngành này sẽ tạo ra tác động tích cực / tiêu cực / và trung lập đến tình hình công ăn việc làm. Tỉ lệ các công ty có ý kiến trung lập không được thể hiện trên biểu đồ bên dưới.
Mặc dù những đối tượng tham gia khảo sát làm việc trong các ngành khác nhau và dĩ nhiên mức độ quan tâm cũng khác nhau trước công nghệ. Nhưng cũng có một số ngành có cùng sự kỳ vọng lớn trước việc ứng dụng công nghệ, trong khi một số ngành lại thận trọng hơn trước xu hướng này. Các ngành Điện tử, Hóa chất và Vật liệu Tiên tiến đang có kế hoạch ứng dụng nhiều công nghệ hơn mức trung bình, trong khi các ngành Dịch vụ Việc làm, Bảo hiểm và Quản lý Hưu trí và Bất động sản lại ít có xu hướng ứng dụng công nghệ mới.
Công nghệ Quản lý Môi trường là một trong những công nghệ có mức độ ứng dụng khác biệt nhất giữa các nghành trong nền công nghiệp, cụ thể 93% công ty Dầu khí dự kiến sẽ áp dụng công nghệ này, tiếp theo là ngành Hóa chất và Vật liệu tiên tiến (88%), tỉ lệ này ở các công ty Sản xuất hàng tiêu dùng là 86%. Ngược lại, chỉ 26% công ty trong ngành Dịch vụ Việc làm mong muốn áp dụng công nghệ này, tiếp theo là Giáo dục và Đào tạo (36%), cuối cùng là Quản lý Bảo hiểm và Hưu trí (42%).
Tương tự, công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường có khả năng được áp dụng nhiều trong lĩnh vực Điện tử (80%); Nghiên cứu, Thiết kế và Quản lý Kinh doanh (77%); Công nghệ Năng lượng và Tiện ích (75%), Khai khoáng và Kim loại (46%); Dịch vụ lưu trú, ăn uống và giải trí (42%); Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (30%). Dữ liệu ngành về áp dụng công nghệ cũng được đưa vào Phụ lục B.
Khi nhìn chi tiết vào công nghệ rô-bốt, dữ liệu Khảo sát nêu bật các ngành có khả năng ứng dụng nhiều nhất: Điện tử (83%), Công nghệ Năng lượng và Tiện ích (72%), Hàng tiêu dùng (71%). Dữ liệu từ Liên đoàn Người máy Quốc tế (International Federation of Robotics) cho thấy số lượng rô bốt công nghiệp trên 10.000 công nhân đã tăng liên tục trong 5 năm qua ở khắp các quốc gia.47 Mật độ rô bốt công nghiệp đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, bình quân có 126 rô bốt trên 10.000 công nhân. Về tác động của rô-bốt đối với tình hình công ăn việc làm, dễ thấy bức tranh toàn cảnh rõ nét nhất ở việc ứng dụng rô bốt không phải hình người, trong đó 60% công ty hoạt động trong ngành Sản Xuất Hàng Tiêu Dùng và Dầu Khí nhìn thấy viễn cảnh thu hẹp số lượng công việc, 60% công ty hoạt động trong các ngành Dịch vụ Công nghệ và Thông tin thì ngược lại, họ thấy rằng nhiều công việc mới sẽ phát sinh trong 5 năm tới.