Tháng 4/2023 bắt đầu với trận ho của Linh. Diễn biến tiếp theo là chuỗi 6 ngày nghỉ mát ở bệnh viện nhi Đức Tâm. Cũng may bố mẹ sắp xếp được thời gian hợp lý nên 6 ngày đó trôi qua cũng ổn. Vẫn đảm bảo sức khoẻ con lẫn bố mẹ. Nhà cửa vẫn trông nom được chút chút.
Trước đó chục ngày con có ho nhưng đã hết. Sau đó ho lại theo cơn chứ không ho lặt vặt cả ngày, cảm giác có đờm. Trận ho đi kèm theo sốt nhẹ 38 độ trong 2 ngày chủ yếu lúc chiều tối.
Sáng ngày 3/4 mẹ cho Linh đi khám, chụp phổi kèm xét nghiệm máu thì thấy phổi mờ. Bác sĩ xác định viêm phổi và cho nhập viện. Đây là lần ốm đau đầu tiên mà con phải nhập viện.
Việc khám ở bệnh viện là điều nên làm, dù nó hơi mệt vì giờ giấc, thủ tục. Nhưng vẫn hơn là đến các phòng khám tư, tại đó các bác sĩ không có thiết bị chụp chiếu, phân tích máu nên chỉ hay nghe ống thở, nhìn họng để đoán bệnh và cho thuốc. Không hiếm trường hợp còn gạ bán kèm siro tăng cân… Thuốc mang về uống chẳng chết chóc gì, nhưng bệnh thì cứ âm ỉ tồn tại.
Cái sự lười và tính chụp giật cuả phụ huynh cũng là yếu tố tiếp tay cho những phòng khám kiểu trên sống tốt và khiến con trẻ lệ thuộc vào thuốc.
1. Lý do chọn bệnh viện nhi Đức Tâm
Đồng nghiệp bố cho rằng nên nhập Thiện Hạnh, vì cũng sạch và gần. Nhưng do mẹ làm thủ tục rồi nên vẫn nhập vào bệnh viện nhi Đức Tâm. Dù sao thì có một số lý do chấp nhận được:
- Trọng tâm chuyên môn dồn hết cho bệnh nhi.
- Cách chăm sóc bệnh, bố trí vật chất thiết bị chuyên cho trẻ con.
- Bệnh nhi hay khóc la, nên các bật cha mẹ chăm bệnh cùng dể cảm thông hơn.
- Việc thăm nom không quá gắt gao nên người nhà thoải mái hơn.
Tuy nhiên bệnh viện này nằm ở đường tránh ngoài trung tâm thành phố, nên từ nhà lên hơi xa. Nằm không xa bệnh viện Y Dược Buôn Ma Thuột, cách nhau một cái bùng binh và nằm trên trục đường tránh có dải ngăn cách cứng, khiến nó hơi bị hẻo lánh và không tiện cho giao thông. Nhưng tương lai thì khu vực này sẽ dần được lấp đầy các công trình lớn khác.
Ngoài bệnh viện nhi Đức Tâm thì ở Đak Lak có những bệnh viện mà bố thấy dịch vụ khám chữa bệnh ổn: Bệnh viện Thiện Hạnh, bệnh Viện đại học y dược Buôn Ma Thuột. Các bệnh viện này đều có khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy vậy khác với những bệnh viện công. Các bệnh viện kể trên thu phí dịch vụ hoặc các loại thuốc ngoài bảo hiểm khá cao.
Một phần nữa là sau dịch Covid. Hệ thống y tế bị lũng đoạn, tham nhũng, nhiều bất cập trong đấu thầu thuốc và thiết bị y tế. Cho nên đến thời điểm này kho thuốc bảo hiểm dành cho người dân cạn kiệt. Nên khi điều trị bệnh nhân phải dùng các thuốc ngoài danh mục hưởng bảo hiểm với chi phí rất cao. Tất cả tác hại cho bọn tham lam gây nên thì người bệnh gánh hết.
Mong rằng sẽ không phải gặp thêm cảnh đau ốm gì mà phải đi viện. Nhưng nếu trường hợp này xảy ra thì chắc bố mẹ sẽ cân nhắc việc chọn một cơ sở khám chữa bệnh khác nơi đây.
2. Cơ sở vật chất bệnh viện nhi Đức Tâm
Cơ sở vật chất nhìn chung là khá so với mặt bằng chung ở daklak. Trong thời gian nằm viện bố thấy có xây dựng thêm một số phòng chức năng. Khuôn viên thoáng mát, có nhiều cây xanh.
Về các khoa thì cũng không nhiều nhưng tạm đủ cho nhu cầu ở tỉnh thành. Đặc biệt là có cả điều trị cho trẻ chậm nói hoặc mắc các chứng về vận động, phản xạ, tăng động.
Về phần không gian cho trẻ chơi thì có khu ở gần cổng, khu cuối mặt tiền phía trước, cạnh cổng cấp cứu, khu nằm giữa khu chức năng và căng tin. Khá nhiều khu nhưng các trò chơi thì lâu không được update nên cũng cũ hỏng dần và không được giữ vệ sinh sạch lắm.
Phòng nội trú con nằm 500 ngàn/ngày, chứa tối đa 4 bệnh nhân cùng lúc. Có nhà vệ sinh rộng rãi bên trong. Chăn ga được hỏi thay 2 lần/ngày. Phòng trang bị máy lạnh kèm quạt, nhiệt độ được set sẵn nhìn chung phù hợp với đa số. Nhà vệ sinh cũng được dọn dẹp hai lần/ngày, có sẵn nước nóng năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên phòng Linh nằm thì rất nhiều muỗi to. Không hiểu sao muỗi nhiều quá. Xem các đánh giá trên google thì cũng có người gặp phải tình trạng này. Bố phải mang cả máy xông đuổi muỗi lên cắm, kèm theo kem đuổi muỗi.
Ở hành lang bố trí nhiều trụ máy nước lọc. Rất tiện lợi cho người nhà bệnh nhân. Phía bên ngoài có khu giặt giũ, người nhà bệnh nhân có thể giặt giũ phơi phóng quần áo khi điều trị nội trú.
3. Chuyên môn khám chữa bệnh
Về lực lượng nhân sự chủ yếu là trẻ tuổi, độ nhiệt tình, nhanh nhẹn cao. Còn về trình độ thì chưa nắm được. Việc các bác sĩ tốt nghiệp trường nào, có kinh nghiệm ít hay nhiều, thực lực ra sao thì chưa có dữ liệu để đánh giá.
Ở đây ta không phải kỳ thị hay đánh giá thấp tuổi nghề của các nhân viên y tế. Không phải cứ trẻ tuổi là tay nghề kém. Nhiều bạn trẻ giờ rất giỏi và ham update tay nghề. Nhưng thực tiễn thì ngoài lý thuyết, rõ ràng ngành y này cần được cọ sát nhiều ca bệnh thì rõ ràng sẽ cứng chuyên môn hơn. Đây là thực tế nhìn thấy được thông qua bs Bách (bệnh viện 512 giường Bình Dương), bs Thi (bệnh viện Thống Nhất) bên phía bà nội con. Hằng ngày tiếp xúc với nhiều bệnh và bệnh phức tạp khiến tay nghề cứng cáp so với tuổi đời.
Phòng họp chuyên môn được bố trí để bệnh nhân dễ dàng liên hệ khi cần, sự phối hợp giữa điều dưỡng và các bác sĩ khá ổn. Ở chỗ khi mà có thắc mắc từ bệnh nhân thì dù bác sĩ trực không có mặt ở đó, thì thông tin cũng được đồng nghiệp chuyển đến nhanh chóng đễ hỗ trợ. Cũng có thể là do phân khoa ở đây ít nên mô hình quản lý tinh gọn hơn ở các bệnh viện lớn.
Theo quan sát, cũng như là nhận xét chung từ các phụ huynh chung phòng. Bệnh viện nhi Đức Tâm làm khá về dịch vụ và bệnh thông thường. Còn những trường hợp bệnh nặng, bệnh đặc biệt, cần giải phẫu hay những ca cần chăm sóc đặc biệt trong phòng ICU thì ở đây chưa đáp ứng được. Hẳn là những ca nặng thì sẽ chuyển đến bệnh viện vùng hoặc các đơn vị đủ chuyên môn và trang bị hơn.
Còn về chuyện lấy ven thì chắc tuỳ bệnh nhi. Nhiều cha mẹ thấy lấy ven thì xót con. Nhưng trường hợp của Linh thì bố thấy lấy nhanh và chính xác. Có điều bệnh nhi hay nghịch ngợm nên ven sau một ngày dể hỏng phải lấy ven mới. Như Linh 6 ngày nằm viện thì phải lấy ven 4 lần.
Điểm dễ nhận thấy trong đợt nằm viện này là đa phần ca bệnh liên qua đến hô hấp, sốt. Toàn bộ ca bệnh chung phòng đều viêm phế quản, viêm phổi. Trong buổi sáng đưa con đến phòng tiêm thì bố gặp hai mẹ con đến khám và cũng là bệnh hô hấp.
Vì đặc thù bệnh viêm phổi nên phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là kháng viêm bằng cách xử dụng kháng sinh đường tiêm truyền, kết hợp xông khí dung. Ở ngày thứ 4 nhập viện thì bệnh đã biến chuyển tốt. Nhưng theo liệu trình cần phải được xử dụng đủ lượng kháng sinh để tránh hiện tượng KHÁNG KHÁNG SINH. Cho nên đến ngày thứ 6 mới xuất viện và kèm theo đơn thuốc uống tại nhà.
Sẵn ở viện nên bố mẹ cho làm thêm xét nghiệm dinh dưỡng và khám tim bổ sung. Khám tim thì do bác sĩ tư vấn thêm, vì lúc sinh bệnh viện đã có làm xét nghiệm máu ở gót chân, nhưng phương pháp này không phát hiện được nhiều bệnh lý bẩm sinh khác.
- Về dinh dưỡng thì kết luận thiếu kẽm, và hơi thiếu máu. Cần bổ sung kẽm và sắt thông qua việc thay đổi từ sữa tươi sang sữa công thức. Tuy nhiên bố mẹ lựa chọn bổ sung qua dạng siro uống cho nhanh. Và vẫn ưu tiên việc ăn uống, không quá phụ thuộc vào sữa công thức.
- Về tim thì sau gần nữa tiếng siêu âm, kết luận bị hở van tim nhẹ. Đây là dạng hở van tim sinh lý và hay thường gặp ở nhiều trẻ em và người lớn. Lời khuyên là cứ định kỳ soi chụp theo dõi.
3.1 Đôi điều về phản ứng của phụ huynh
Đọc đánh giá ở ảnh trên, ta thấy vẫn có những phản ứng khi phải nằm lâu cho đủ liệu trình. Đỡ bệnh khác với khỏi bệnh. Tâm lý nhiều người lớn (cả bố) là khi thấy đỡ thì lười uống cho hết đơn thuốc và mong ra viện sớm. Tuy nhiên trong quá trình điều trị có thể dấu hiệu bệnh thuyên giảm, nhưng vi khuẩn vẫn còn tồn dư và chờ chực tái phát.
Kiểu điều trị không đủ liều, không đủ phác đồ là nguyên nhân chính tạo nên hiện tượng KHÁNG KHÁNG SINH. Làm dễ tái bệnh và điều trị khó khăn cho những lần sau. Ngay trường hợp của Linh, ra viện hôm 09/4/2023. Nhưng đến hôm 17/4 ban ngày có sốt nhẹ và sáng 18/4 thì có khạc ra đờm vàng. Tức là việc các bé tái viêm nhiễm là rất dễ xảy ra, mà chắc lây cảm từ bố sang. Cơ thể con trẻ đề kháng kém hơn người lớn, nên thiết nghĩ nên tôn trọng phác đồ điều trị.
Còn việc tiêm thay vì uống thuốc cũng không hiểu tại sao lại sợ tiêm? Tiêm thì tác động nhanh hơn uống, và không phải bệnh nhi nào cũng hợp tác uống thuốc. Như Linh thì có đời nào chịu uống thuốc đắng đâu, toàn nôn ra lại.
Còn lúc thanh toán thì bố vẫn được cung cấp danh mục thuốc và dịch vụ đã sử dụng, số tiền bảo hiểm chi trả… Còn hồ sơ bênh án, phác đồ điều trị thì dĩ nhiên không được trả lại. Đây là quy định trong ngành. Cả trường hợp khi bà nội Linh điều trị đột quỵ tại bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và bệnh viện Thống Nhất Sài Gòn thì các giấy tờ về chi phí, thuốc men cũng chỉ cho đọc để hiểu và nắm số tiền điều trị. Mình có chụp lại thì chụp chứ bản gốc bệnh viện vẫn thu lại. Hồ sơ bệnh án thì được lưu trữ, còn nếu cần được cung cấp thì mời quý phụ huynh đọc thêm quy định về điều này để hiểu và thực thi cho đúng đắn.
4. Về dịch vụ ăn uống ở bệnh viện nhi Đức Tâm
Nói về căn tin thì cái này là điều bất cập mà bệnh nhân có thể dễ dàng nhận thấy nhất. Ý kiến chung của những phụ huynh chung phòng là thức ăn dở, có vị cay khiến trẻ con khó ăn.
Có món cháo thì cũng không ngon lành mấy, không phải cháo được nấu có bổ sung rau xanh xay như ngoài hàng, cháo có vị mặn muối đơn thuần so với khẩu vị trẻ con. Thức ăn cùng cơm thì 6 ngày nằm viện thấy không đổi khác mấy, và món chả giò kho, rồi chả cá thì hôm nào cũng có.
Trên kệ bánh kẹo, bánh tráng, cơm cháy bố đọc tem nhãn thấy quá hạn sử dụng nhiều nên không mua.
Tóm lại là một bệnh viện nhi, nhưng cách căn tin nêm nếm đồ ăn, lên các món gây khó cho bệnh nhi lựa chọn. Nói thẳng ra là không chú trọng phục vụ bệnh nhi. Trẻ em nhạy cảm về vị hơn người lớn, sức chiụ đựng cũng kém hơn nên chỉ cay the một tí thôi cũng không ăn được.
Sau khi ở qua ngày thì không riêng bố mẹ mà các phụ huynh khác cũng nhờ ship thức ăn từ bên ngoài vào, có hôm thì bố về nhà nấu thức ăn mang lên để đổi vị.
Do sự hơi hẻo lánh của bệnh viện nên hàng quán xung quanh không có, không đa dạng. Nhưng bố thấy các vị phụ huynh đã chấp nhận mất công, mất thêm phí ship để bệnh nhi được ăn ngon.
Ban quản lý bệnh viện nên trao đổi lại với người nhận thầu căn tin để cải thiện tình hình. Ít ra đây mà mô hình đấu thầu để nhận làm dịch vụ trong bệnh viện. Thì người quản lý căn tin cũng phải đáp ứng những tiêu chí cơ bản mà bệnh viện ban hành. Kể cả có là người nhà của chủ đầu tư bệnh viện thì cũng phải lắng nghe thực khách để cải thiện dịch vụ.
5. Thiếu thông tin public trên mạng
Hiện tại bệnh viện nhi Đức Tâm có một website là ductamhospital.vn. Theo những kiểm tra gần nhất vào ngày 24/1/2024, trang web nói trên không còn truy cập được. Tuy nhiên lượng thông tin trên đó quá ít ỏi. Cũng như thông tin hiện có chưa truyền tải được đủ và rõ ràng về các chuyên khoa, các loại bệnh mà bệnh viện có khả năng điều trị. Kiểm tra trên google thì có những câu hỏi về bảo hiểm y tế được nhiều người hỏi. Trong khi các quy định đó hoàn toàn có thể đưa lên website để tăng tương tác.
Khi lên lầu hai bệnh viện bố thấy có phòng IT. Việc quản lý, duy trì và đăng tải nội dung cho website loại này không hề khó. Nhưng không hiểu sao lại bỏ bê không làm. Chỉ ngần nghía qua những site của các bệnh viện khác xem họ đăng tải những thông tin gì, có nhúng công cụ gì để tương tác giữa người có nhu cầu và phía bệnh viện. Sau đó điều chỉnh làm theo là được.